21/7/10

“Ông vua giấu mặt” của ngành sản xuất máy tính


Quanta từng được tờ New York Times (Mỹ) gọi là “nhà sản xuất laptop lớn nhất nhưng ít được biết đến nhất”.
Những chiếc máy tính xách tay thương hiệu Dell, IBM, Apple, HP, Gateway… vẫn mang “trái tim” của hãng Quanta, vì trên thực tế, đây là đơn vị gia công, nhà sản xuất một phần hoặc toàn phần cho các thương hiệu lớn này.

Từng là nhà sản xuất laptop lớn nhất thế giới, dù vậy, tháng 3/2010 vừa qua, Quanta đã trượt xuống vị trí thứ hai khi bị đối thủ cạnh tranh Compal qua mặt, nhưng chủ tịch Barry Lam của Quanta khẳng định, hãng sẽ dành lại vị trí số 1 trước khi kết thúc năm 2010.
Từ chiếc máy tính xách tay bằng cái va li…
Cũng như rất nhiều công ty khác ở Đài Loan, thành công của Quanta dựa trên sức mạnh của nghề gia công song song với việc tôn trọng, đề cao tài năng kỹ thuật và sáng tạo. Ngoài ra, còn điều không thể nhắc đến là đầu óc nhanh nhạy với tầm nhìn rộng của vị chủ tịch hãng này.
Năm 2008, Barry Lam bước sang tuổi 59, và đó cũng là năm Quanta kỷ niệm 20 năm thành lập. Từ trước đó mấy năm, trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi, ông nói mình sẽ về hưu và mơ ước mở một bảo tàng mỹ thuật vào năm Quanta tròn 20 tuổi. Trong con người ông có sự trộn lẫn của một kỹ sư điện và tâm hồn yêu hội họa. Ở Đài Loan, trung tâm sản xuất thầu phụ thế giới, tên tuổi của ông gắn liền với tuyên bố: “Công nghệ cao chỉ là ngắn hạn, nghệ thuật mới là mãi mãi”.
Barry Lam sinh ra ở Thượng Hải và lớn lên ở Hồng Kông. Vì thi trượt đại học tại Hồng Kông nên Barry Lam được cha gửi đến Đài Loan để thi vào đại học, và ông đã tốt nghiệp kỹ sư điện ở đó.
Năm 1973, sau khi tốt nghiệp đại học và trải qua một thời gian làm việc tại các công ty máy tính nhỏ, Barry Lam đã tham gia thành lập công ty Kimpo, chuyên sản xuất máy tính bỏ túi với công việc chủ yếu là sản xuất phụ kiện cho các nhà sản xuất lớn. Công việc “nhì nhằng” cũng đủ để ông có kinh nghiệm và nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực này.
Cuối những năm 1980, Barry Lam muốn tìm kiếm những thách thức mới. Ông dự đoán sẽ có một cuộc cách mạng mới trên thị trường công nghệ với sự bứt phá vượt trội của máy tính xách tay có giá cả hợp lý. Thế nhưng, chỉ là một cổ đông thiểu số của Kimpo, Barry không thể thuyết phục công ty mạo hiểm lao vào lĩnh vực mới này.
Vì vậy, Barry đã bỏ Kimpo và cùng một đội kỹ sư đứng ra thành lập Quanta năm 1988 với số vốn khoảng 900.000 USD. Trụ sở đầu tiên của Quanta nằm gọn trên tầng 6 một tòa nhà cũ kỹ, vừa làm văn phòng, vừa làm nhà xưởng. Dạo đó, ở Đài Loan chưa ai quan tâm sản xuất mặt hàng này. Barry đã “mày mò” sản xuất chiếc máy tính xách tay đầu tiên của mình, to đùng như một chiếc va li và anh xách đi khắp các cuộc triển lãm để chào hàng.
Một trong những trở ngại chính của Barry là tất cả linh kiện thời đó được thiết kế với xu hướng dùng cho máy tính để bàn, ổ đĩa cứng và màn hình quá lớn, các bộ xử lý không tương thích. Mặc dù vậy, Barry vẫn giữ niềm tin về tầm nhìn của mình.
Chỉ trong hai năm liên tục cải tiến, công ty non trẻ này đã có sản phẩm trình diễn tại một hội chợ ở Đức và thu hút sự chú ý của Siemens và Philips Electronics. Cũng từ đó, hai công ty này trở thành khách hàng của Quanta. Đến đầu năm 1990, Barry đã có được vài hợp đồng nhỏ sau gần một năm gây dựng uy tín, và sau đó là những hợp đồng với Apple và Gateway.
…đến 1/7 thị phần lắp ráp máy tính xách tay
Với đầu óc phân tích nhanh nhạy, ông định vị Quanta là nhà thiết kế gốc (ODM) hay nói cách khác là nhà cung cấp cho các công ty bán laptop. Quyết định mang tính bước ngoặt đó đã mở đường cho ông đi đến thành công. “Thị trường Đài Loan rất nhỏ. Đó là cách duy nhất để đạt quy mô kinh tế và thâm nhập thị trường thế giới”, Barry khẳng định.
Cũng chỉ vài năm sau, quyết định của Barry Lam đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Năm 1994, Intel tung ra bộ xử lý đặc biệt dành cho laptop có tên là Coppermine. Chỉ hai năm sau, Quanta ra mắt MP5, chiếc laptop truyền thông đa phương tiện đầu tiên của hãng.
Đến năm 1996, Quanta ký được hợp đồng gia công dài hạn cho hãng Dell, một trong những tên tuổi lớn nhất trong làng máy tính của Mỹ. Quanta sản xuất đến 55% lượng máy xách tay cho hãng này. Hai năm sau, Quanta trở thành công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, và trị giá tài sản riêng của Barry Lam đã lên đến 680 triệu USD.
Nhưng thành quả lớn nhất của Quanta là Dell Latitude C600 được giới thiệu năm 1998. Đó là mẫu laptop đầu tiên trong lịch sử bán được hơn 1 triệu chiếc. Nhờ thành công này, nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định: “Thời của Quanta đã đến, đây sẽ là nhà cung cấp laptop hàng đầu thế giới”.
2001 là một năm tệ hại cho ngành sản xuất máy tính, nhưng Quanta vẫn duy trì mức tăng trưởng chung khoảng 20%. Thay vì sa thải nhiều như các hãng, Lam đã tuyển thêm công nhân và thậm chí còn mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng mới. Năm 2001, doanh thu của Quanta tăng 50%, đạt 3,6 tỷ USD, lợi nhuận tăng chừng 26%, đạt khoảng 310 triệu USD.
Đến năm 2002, Quanta đã qua mặt Toshiba để trở thành nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới. Tại thời điểm đó, trên toàn thế giới, sản phẩm của các hãng máy tính Đài Loan chiếm 60% thị phần máy tính xách tay. Cứ 7 chiếc máy bán ra thì có một chiếc do nhà máy Quanta lắp ráp. Trừ hãng Dell còn nhận máy Quanta gia công về để tinh chỉnh đôi chút rồi mới bán ra, nhiều hãng khác giao hẳn cho Quanta sản xuất từ A đến Z.
Sự thành công của Quanta đã khiến nhiều đối thủ cạnh tranh nhòm ngó, và đó cũng là lúc thị trường công nghệ cao sẽ không tăng trưởng như trước và các nhãn hiệu sẽ đến giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, Barry khẳng định như thế cũng có nghĩa là “cờ đến tay” những nhà thầu phụ.
Trả lời phỏng vấn New York Times, Barry nói: “Một khi các công ty bắt đầu chuyển bớt phần việc cho các nhà thầu phụ, họ sẽ hiếm khi quay lại. Khi các công ty tối thiểu hóa chi phí, họ có thể chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, tiếp thị. Điều đó rất logic. Thị trường IT sẽ không tăng mạnh như trước đây. Điều đó có nghĩa cạnh tranh giữa các nhãn hiệu gia tăng. Khi thị trường sắp vào giai đoạn đóng băng, việc của các nhà thầu phụ sẽ gia tăng. Nếu chúng tôi là công ty gia công tốt nhất thì rất hợp lý, thị phần của chúng tôi sẽ tăng”.
Hiện nay, Quanta đang đa dạng hóa hoạt động sang sản xuất máy chủ, các bộ phận lưu trữ và màn hình tinh thể lỏng. Barry từng nói rằng, ông nhìn thấy tương lai mỗi người sẽ mang một chiếc máy tính xách tay mini có thể cắm vào rất nhiều các thiết bị khác nhau như các máy vi tính khác, TV, các đồ dùng gia dụng tùy vào nhu cầu.
Nhà thầu phụ đáng tin cậy
Thành công của Barry Lam là nhờ áp dụng hệ thống quản lý cung ứng hàng theo nhu cầu, với mức độ kiểm soát đầu vào và đầu ra chặt chẽ.
Các hãng máy tính lớn trên thế giới muốn chuyển hướng sản xuất sang việc đi tìm nơi gia công bên ngoài thay vì tự mình làm tất cả. Họ đã từng đau đầu vì tình trạng lượng hàng tồn kho khổng lồ chưa kịp bán hết mẫu hàng cũ thì các đối thủ đã ra thế hệ máy đời mới.
Vì vậy, phương thức giao cho các nhà thầu phụ sản xuất, các hãng lo thiết kế mẫu mã, tìm khách hàng là chiến lược kinh doanh hợp lý nhất. Vấn đề còn lại của các nhà thầu phụ là thuyết phục được khách hàng về việc duy trì được hệ thống sản xuất đúng chất lượng và thời hạn cam kết.
Trước đây, Quanta thường nhận hợp đồng sản xuất vài nghìn chiếc máy tính xách tay và giao hàng trong vài tuần sau. Ngày nay, hệ thống kiểm soát của Quanta tinh vi đến mức có thể nhận gia công từng chiếc theo đơn đặt hàng và giao máy trong vòng 40 tiếng. Với Barry Lam, thành công của Quanta là nhờ việc ứng dụng dòng chảy thông tin 24/24 giờ, suốt 7 ngày trong tuần qua mạng Internet, cũng như duy trì mạng thông tin nội bộ cập nhật từng phút.
Khi nhận một hợp đồng gia công, trước đây Quanta phải mất cả một ngày mới kiểm tra được nguồn hàng xem có đủ khả năng thực hiện hợp đồng đúng hạn hay không, nay chỉ cần trong 1-2 tiếng. Dựa vào dự báo từ khách hàng, Quanta lên lịch sản xuất cho 13 tuần tới và cập nhật hằng giờ.
Thật ra Quanta cũng dựa vào một mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện khắp thế giới nên vấn đề duy trì liên lạc và bảo đảm nhận hàng đúng hẹn là chuyện cốt tử. Ví dụ, Quanta dựa vào hãng Panasonic để mua màn hình tinh thể lỏng (LCD) hay ổ đĩa DVD. Hai bên nối mạng để đối chiếu lượng hàng cần sản xuất và lượng hàng tồn kho để tối ưu hóa lượng sản xuất. Nếu Quanta dự báo sai, Panasonic chịu ảnh hưởng, còn ngược lại Panasonic cung ứng hàng không kịp, Quanta sẽ mất uy tín với khách hàng.
Kinh nghiệm đã dạy cho Barry Lam rất nhiều về sức mạnh thiết kế và khả năng đưa các chức năng vào một sản phẩm có kích cỡ gọn nhẹ. Barry xác định Quanta sẽ cung cấp tổ hợp các tính năng của laptop. Ông ví công việc sản xuất máy tính cũng giống như nghề nấu bếp: “Người đầu bếp có thể rất sáng tạo nhưng quyết định lại thuộc về khách hàng. Chúng tôi phải làm cho khách hàng cảm thấy chúng tôi sẽ đem đến cho họ những sự lựa chọn tốt nhất”.
Khi khách hàng đã ký hợp đồng, bước tiếp theo là nhận được số lượng sản phẩm nhanh chóng với chất lượng cao. “Nếu chúng tôi có thể làm được điều đó, khách hàng sẽ rất có lợi và họ sẽ tiếp tục làm ăn với chúng tôi”, Barry Lam nhấn mạnh.
Mặc dù đã thâu tóm nhiều nhà sản xuất linh kiện khác và là công ty ODM hàng đầu trên thị trường laptop, nhưng đứng xa tâm điểm chú ý của công chúng là một sự lựa chọn chiến lược của Quanta. Barry giải thích rằng khách hàng của ông bán sản phẩm của họ dưới nhãn hiệu riêng và vì lý do này ông muốn giữ bí mật cho khách hàng.
Với tổng tài sản tính đến năm 2008 ở mức 2,1 tỷ USD, Barry Lam cũng không phải là người dễ bằng lòng với chính mình. Ông vẫn còn một giấc mơ muốn làm trọn. “Chúng tôi bán quá nhiều laptop khắp thế giới. Tôi muốn chia sẻ tình yêu văn hóa và hội họa với nhiều người. Văn hóa thay đổi con người, cách họ nghĩ, cách họ cư xử. Giàu có không đủ để cải thiện cuộc sống nếu văn hóa nghèo nàn”.
Ông nhấn mạnh, công nghệ của công ty ông là theo phương Tây, nhưng mối quan hệ con người là kiểu Trung Quốc. Triết lý Khổng giáo “con người cần 3 thứ: thông thái, nhân đức và can đảm” là điều hướng dẫn ông suốt cả cuộc đời.
Theo The New York Time, VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.