21/7/10

Isaac Tshuva: Ông vua khí đốt Israel


Trong một căn phòng sang trọng của khách sạn Leonardo City Tower ở Tel Aviv , thủ đô của Israel, Isaac Tshuva đặt các gói đường lên trên bàn , mỗi một gói đường tượng trưng cho vị trí của một mỏ khí nằm ở ngoài khơi Israel: Túi nằm trên cùng là mỏ Tamar mà Công ty của ông, Tập đoàn Delek đã khám phá (cùng với một số đối tác) hồi năm ngoái.
Với trữ lượng ước tính hơn 200 tỉ m3 khí của mỏ Tamar, Israel sẽ không còn phải lệ thuộc vào than đá và khí đốt nhập khẩu nữa. Hai túi đường bên dưới là 2 mỏ khí nhỏ hơn nằm về phía Nam, cũng có nhiều tiềm năng không kém. “Mỏ khí mà chúng tôi vừa khám phá sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của Israel trong 2 thập kỷ tới”, vị tỉ phú 61 tuổi này cho biết. Những khám phá nói trên đã đưa Tshuva trở thành ông vua năng lượng của Israel và là người giàu thứ 6 của đất nước với giá trị tài sản ròng ước tính 2 tỉ USD, theo The Marker, một tờ báo chuyên về kinh doanh tại Tel Aviv.

Nguồn thu từ mỏ Tamar đang giúp Tshuva bành trướng đế chế của mình ra nhiều nơi trên thế giới, lấn sang các lĩnh vực khác như khu căn hộ cao cấp, nhà máy điện, trạm xăng và khách sạn Plaza tại New York. Nó cũng giúp ông nuôi dưỡng kế hoạch táo bạo 5 tỉ USD đưa thương hiệu Plaza xuất hiện tại Las Vegas Strip, nơi đang có những chuỗi khách sạn, sòng bạc, khu giải trí sang trọng bậc nhất thế giới.
Những khó khăn đầu tiên

Tshuva sinh ra và lớn lên tại Netanya, một thành phố biển tĩnh lặng cách Tel Aviv 20 dặm về phía Bắc. Ông bắt đầu đi làm khi mới 12 tuổi để nuôi gia đình và đi học vào ban đêm. Sau 3 năm ở quân đội, ông không vào đại học mà làm việc trong ngành xây dựng phục vụ cho Bộ Quốc phòng.
Tshuva đã kết giao được với nhiều nhân vật có thế lực (ông rất thân cận với Tổng thống Israel Shimon Peres và nguyên Thủ tướng Ariel Sharon) và có nhiều mối quan hệ làm ăn với các đối tác lớn. Đặc biệt, mối quan hệ thân tình với Ted Arison, nhà sáng lập công ty Carnival Cruise Lines (có trụ ở Miami) người Mỹ gốc Israel, đã đem lại nguồn lợi lớn cho Tshuva vào năm 1998. Lúc đó, Tshuva chỉ là một nhà thầu xây dựng hạng hai. Ông đang tìm cách để bước chân vào giới kinh doanh thuộc tầng lớp quý tộc của Israel.
Ông đã nắm giữ 25% cổ phần của Tập đoàn Delek, một nhà nhập khẩu ôtô và là hệ thống trạm xăng lớn thứ hai Israel. Tuy nhiên, tham vọng của ông là nắm quyền kiểm soát tập đoàn này, trong khi đó Ngân hàng Hapoalim của Arison lại đang nắm giữ 25% cổ phần trong Delek. Arison đã đồng ý bán lại số cổ phần này cho Tshuva với giá khoảng 100 triệu USD.
Cuối thập niên 2000, Tshuva đã đưa Delek trở thành một đế chế 10 tỉ USD có cổ phần trong nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, lọc dầu, kinh doanh ôtô và một số lĩnh vực khác. Năm 2007, Delek Real Estate, chuyên về bất động sản, đứa con cưng của Tập đoàn Delek, đã đánh một canh bạc đầy rủi ro lên tới 738 triệu USD vào các trạm xăng trên đường cao tốc tại Anh. Khi các thị trường của thế giới chao đảo vào năm 2008, cổ phiếu của Delek đã giảm tới 86% và trái phiếu của Tập đoàn cũng giảm khoảng 50%. Trong năm đó, Delek đã công bố mức lỗ 490 triệu USD, bao gồm khoản lỗ 430 triệu USD tại chi nhánh bất động sản trên.
Tuy nhiên, giá trị tài sản của Tshuva đã tăng trở lại vào tháng 1.2009 khi canh bạc của ông vào lĩnh vực khí đốt cuối cùng đã mang lại kết quả. Năm 2000, Delek và các đối tác đã khám phá ra các mỏ khí đốt ngoài khơi Noa và Mari-B. Bốn năm sau, họ bắt đầu khai thác các mỏ này. Sự kiên trì trong suốt 1 thập kỷ của ông đã được đền đáp khi năm ngoái, ông đã tìm ra được mỏ Tamar và một mỏ gần đó gọi là Dalit.
Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi phát hiện ra mỏ Tamar, trái phiếu của Delek đã tăng lên 50%. Kể từ đó, cổ phiếu của Hãng cũng tăng lên gấp 5 lần, đưa giá trị thị trường của Công ty lên tới 2,6 tỉ USD. Hiện nay, Tshuva sở hữu 64% cổ phần trong Delek.
Chính phủ Israel cũng cho rằng, Tamar là một dự án có tầm quan trọng chiến lược vì tính đến nay, năng lượng sử dụng ở Israel là nhập khẩu. Trong khi đó, mỏ Tamar được dự báo sẽ đáp ứng được đến 50% nhu cầu năng lượng của Israel. Delek và các đối tác của Hãng sẽ bỏ ra khoảng 3 tỉ USD để phát triển mỏ khí này.
Những dự án bất động sản khổng lồ

Trong 10 năm qua, El-Ad Group, công ty bất động sản do Tshuva thành lập, đã đầu tư phát triển hàng chục dự án nhà ở cao cấp từ Los Angeles cho đến Singapore với giá trị danh mục đầu tư, theo Công ty, lên tới 7,5 tỉ USD. Nổi bật trong số đó là dự án khách sạn Plaza, nhìn ra Công viên Trung tâm New York. Ông đã lên kế hoạch cải tổ khách sạn này với tổng kinh phí 450 triệu USD. Theo đó, Plaza sẽ có quy mô 152 căn hộ và được quy hoạch lại còn 282 phòng khách sạn từ mức 805 phòng. “Hiện nay, Plaza là một trong những bất động sản sang trọng nhất tại Manhattan và là một điểm đến thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới”, Tshuva cho biết.
Thực ra, từ lâu Tshuva đã muốn đưa Plaza trở thành thương hiệu toàn cầu. Năm 2007, Tshuva và Israel Nochi Danker, một nhà tài phiệt, đã trả 1,25 tỉ USD để mua lại Frontier Hotel tại Las Vegas. Cả hai đã phá bỏ nơi này để xây dựng một khu resort mang thương hiệu Plaza. Nhưng khi ngành du lịch Las Vegas chao đảo do khủng hoảng tài chính, hai ông đành phải tạm gác kế hoạch trên.
Mặc dù nhiều dự án còn dở dang và tỉ lệ phòng khách sạn bị trống tại Las Vegas vẫn ở mức cao nhưng Miki Naftali, Tổng Giám đốc của Ed-Ad, cho biết, dự án Plaza sẽ được khởi động lại vào đầu năm tới nhằm thực hiện tham vọng xây dựng 30 khách sạn Plaza trên khắp thế giới của Tshuva.
Tshuva còn có một kế hoạch táo bạo không kém ở ngay Israel. Đó là phát triển tại “Thung lũng Hòa bình”, một kênh đào dài 106 dặm, nhằm đưa nước từ Biển Đỏ vào Biển Chết để giữ cho vùng biển này không bị khô cạn. Dự án sẽ thúc đẩy nền kinh tế trên cả hai bờ biên giới Israel và Jordan với sự xuất hiện của các khách sạn, nhà hàng, công viên và cả nhà máy thủy điện. Điều này có thể sẽ càng củng cố thêm cho danh tiếng của Tshuva.
Theo BusinessWeek, Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.