Chúng ta đều biết nhằm bảo vệ môi trường và năng cao cuộc sống hài hòa với thiên nhiên thì một trong những chiến lược lâu dài và hiệu quả nhất là tìm nguồn năng lượng mới, nhất là năng lượng xanh. Chưa bao giờ những cối xay gió bước ra từ những tác phẩm nghệ thuật lại hiện lên sống động như bây giờ.
Năng lượng gió là động năng của không khí di chuyển trong bầu khí quyển Trái Đất. Năng lượng gió là một hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Sử dụng năng lượng gió là một trong các cách lấy năng lượng xa xưa nhất từ môi trường tự nhiên và đã được biết đến từ thời kỳ Cổ đại.
Bức xạ Mặt Trời chiếu xuống bề mặt Trái Đất không đồng đều làm cho bầu khí quyển, nước và không khí nóng không đều nhau. Một nửa bề mặt của Trái Đất, vào ban đêm không nhận được bức xạ của Mặt Trời trong khi đó, ở các vùng gần xích đạo bức xạ mặt trời nhiều hơn hẳn, do đó có sự chênh lệch về nhiệt độ nên khác nhau về áp suất giữa không khí giữa xích đạo và 2 cực cũng như không khí giữa ban ngày và ban đêm của Trái Đất di động tạo thành gió. Trái Đất xoay tròn cũng góp phần vào việc làm "xoáy" không khí và vì trục quay của Trái Đất nghiêng (so với mặt phẳng do quỹ đạo Trái Đất) nên cũng tạo thành các dòng không khí theo mùa.
Gió bị ảnh hưởng bởi địa hình tại từng địa phương. Do nước và đất có cấu tạo khác nhau nên ban ngày đất nóng lên nhanh hơn nước, tạo nên khác biệt về áp suất và vì thế có gió thổi từ biển hay hồ vào đất liền. Vào ban đêm đất liền nguội đi nhanh hơn nước và hiệu ứng này xảy ra theo chiều ngược lại.
Đức và sau đó là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Ấn Độ là những quốc gia sử dụng năng lượng gió nhiều nhất trên thế giới.
"Thị trường" gió sôi động
Có 20 "thị trường" gió lớn nhất trên thế giới thì châu Âu đã góp mặt 13 nước với Đức là nước dẫn đầu về công suất của các nhà máy dùng năng lượng gió. Tại Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha, việc phát triển năng lượng gió được chính phủ thúc đẩy liên tục trong nhiều năm qua. Nhờ vào đó mà một ngành công nghiệp mới đã phát triển tại 3 quốc gia này. Công nghệ từ Đức (bên cạnh các phát triển mới từ Đan Mạch và Tây Ban Nha) đã được sử dụng trên thị trường nhiều hơn trong những năm vừa qua. Cũng không thể không nhắc tới Hà Lan, đất nước từ lâu đã gắn với biệt danh "đất nước của những chiếc cối xay gió".
Cho tới nay, năng lượng gió mới chỉ đóng góp có 1,5 % nhu cầu điện của nhân loại. Nhưng tỷ số đó tăng mạnh và hiện nay, đã có khoảng 80 quốc gia trên thế giới có cơ sở sản xuất điện gió: gió đóng góp 19 % sản lượng điện của Đan Mạch, 13 % của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, 7 % của Đức và CH Ireland... Theo AWEA (American Wind Energy Association, Hiệp hội Phong năng Hoa Kỳ), năm 2009, Hoa Kỳ đã lắp đặt 9.922 MW (megawatt) công suất phong điện, tăng 39 % so với năm 2008 và nâng tổng công suất phong điện lắp đặt ở Hoa Kỳ lên hơn 35.000 MW (công suất tương đương với công suất của 35 lò phản ứng hạt nhân cỡ trung bình).
Nước mình cũng có nhiều thuận lợi để phát triển phong năng đấy!
Gió đã được dùng để đẩy thuyền buồm từ thời tiền sử. Đã từ rất lâu, ngư phủ Việt Nam đã dùng tàu buồm để ra khơi đánh cá quanh những hải đảo. Cũng từ thời buổi đó, thuyền buồm của người Philippines, Indonesia và Malaysia đã cập bến miền Trung giao thương với ta.
Trước cách mạng công nghiệp, người ta đã biết dùng sức gió cho nhiều hoạt động kinh tế trên đất liền. Người Tây Âu dùng sức gió để xay lúa và bơm nước. Người Hà Lan dùng quạt gió làm cạn châu thổ sông Rhin để lấn biển mở rộng lãnh thổ của họ. Vùng đồng bằng Bắc Mỹ đã được khai hoang nhờ những máy bơm chạy bằng sức gió mang nước cho con người, gia súc và đồng ruộng. Những máy bơm loại đó cũng đã giúp người Anh định cư ở Australia.
Cối xay gió đặc trưng của Hà Lan.
Sau cách mạng công nghiệp, với sự phát triển của điện lực, người ta đã thử dùng những quạt gió để sản xuất điện. Nhiều kiểu quạt phong điện đã được sáng chế từ quạt với trục đứng cũng như quạt với trục nằm. Nhưng chỉ từ những khủng hoảng năng lượng vào thập niên 1970 thì công nghệ phong điện mới có những quạt lớn từ một megawatt trở lên. Những vùng ven biển và những vùng đồi núi là những nơi rất thuận tiện để khai thác sức gió.
Nước ta có trên 3.000 km chiều dài bờ biển và 90 % lãnh thổ của ta là đồi núi. Theo tính toán, tổng công suất phong năng của ta ước đạt 513.360 MW, chắc chắn địa thế của Việt Nam rất thuận lợi để khai thác phong năng. Hy vọng là nguồn năng lượng xanh rất tiềm năng này sẽ sớm được phát triển ở nước mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.