29/12/10

Sony và 10 sản phẩm thất bại nhất

Sony, một công ty mà người dịch bài này rất thích luôn có những ý tưởng rất kỳ lạ, một số thành công rực rỡ như các sản phẩm thuộc dòng PlayStation, CyberShot... nhưng có những thiết bị lại không đáp ứng được yêu cầu về mặt thương mại và buộc phải rời khỏi thị trường. Bài viết này sẽ giới thiệu đến với các bạn 10 sản phẩm mạnh mẽ về công nghệ nhưng lại thất bại về mặt kinh doanh của hãng, dù ít dù nhiều thì cũng cũng để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng giới đam mê công nghệ. Quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy tất cả chúng đều xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây, thời điểm mà Sony bắt đầu tụt giảm cho dù họ đã phần nào lấy lại được danh tiếng của mình.

1)Robot Aibo:

Được tạo ra bởi phòng thí nghiệm Digital Creatures, Sony bán ra Aibo vào năm 1999. Những chú Aibo rất dễ thương này có thể thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau như hạnh phúc, vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên, sợ hãi và ghét. Và mặc cho tính thời trang và sự dễ thương của Aibo, vẫn không có nhiều người đủ tiền bỏ ra 2500$ để mua chú chó này. Chủ nhân của Aibo vẫn yêu nó rất nhiều cho đến thời điểm hiện tại nhưng Sony vẫn phải hủy bỏ kế hoạch sản xuất trong những đợt tái cấu trúc tập đoàn vì nó không đủ khả năng sinh lời.

2)Đường đi sai của các thiết bị nghe nhạc di động:

Sony đã tạo ra thị trường nghe nhạc di động vào năm 1979 với những sản phẩm đầu tiên thuộc dòng Walkman nhưng họ lại bị Apple đánh bại trên thị trường nhạc số chỉ trong một vài năm ngắn ngủi. Đâu là nguyên nhân cho sự tụt dốc không phanh này? người ta đã nói rất nhiều nhưng nguyên nhân chính cũng phần nào nằm ở Sony khi họ chậm chạp, quá phụ thuộc vào định dạng nhạc riêng là ATRAC vốn chỉ phổ biến ở trong những thiết bị MiniDisc. Khi mà kỷ nguyên chia sẻ nhạc bùng nổ vào những năm 2000 thì chính MP3 mới là định dạng phổ biến. Đó là chúng ta còn chưa kể tới việc cạnh tranh nội bộ trong tập đoàn: bộ phận VAIO cũng sản xuất máy nghe nhạc với tên gọi là MusicClip, để mặc bộ phận Walkman "trơ mắt nhìn". Không có gì ngạc nhiên khi Sony bị lâm vào tình trạng hỗn đỗn trong một thời gian dài.

3)Chiếc máy Internet eVilla:


Vào năm 2001, rất nhiều công ty đã đặt hy vọng vào thiết bị Internet tại gia, một thiết bị cho phép truy cập Internet và duyệt web. Sony eVilla cũng chỉ là một thiết bị trong số đó, nó không có gì nổi bật với màn hình CRT 15 inch, một modem dial up 56kbps với khả năng truy xuất email và duyệt web. Nhưng khi mà eVilla ra mắt, rất nhiều đối thủ đã bắt đầu từ bỏ thị trường này và hàng loạt khách hàng lại quyết định mua máy tính sử dụng Windows XP. Tất nhiên, sau 2 tháng bán ra thì Sony đã hủy bỏ kết hoạch eVilla, một thất bại đáng quên.

4)Tablet Airboard:


Được ra mắt trước iPad 10 năm, Sony Airboard có vẻ là một thiết bị thú vị. Chiếc máy tính bảng này có màn hình 10 inch, có khả năng kết nối bằng WiFi đến một chân đế tích hợp Internet và đầu thu sóng TV. Airboard cũng có thể kết nối web và duyệt email, có thể chạy đa nhiệm, tính năng xem TV hình trong hình. Từ 10 năm trước mà làm được một thiết bị như thế thì quả thật Sony khá đáng nể. Chỉ tiếc rằng hầu hết khách hàng nhìn nhận nó như là một chiếc TV di động mắc tiền, Sony cũng chẳng thể đưa Airboard đến với rộng rãi người dùng, sản phẩm này chẳng bao giờ xuất hiện ở Mỹ.

5)Dòng sản phẩm Qualia:


Thật ra thì đây không phải là lần đầu tiên Tinh Tế nhắc về dòng sản phẩm Qualia, một dòng sản phẩm cực kỳ mắc tiền được làm ra để chứng minh khả năng sáng tạo của các kỹ sư Sony từ năm 2003. Trong số này, chúng ta có một chiếc máy chụp hình tí hon Qualia 016 (3220$), máy chiếu độ phân giải cao Qualia 004 (20000$), một đầu đọc CD hay màn hình Trinitron.... Để mua một trong những thiết bị trên, bạn buộc phải sắp xếp để được hẹn gặp nhân viên Sony tại các của hàng Qualia hay phải được một "đại sứ" Qualia viếng thăm. Nghe thì hay nhưng Sony đã khai tử Qualia vào năm 2005, chi tiết hơn bạn có thể tham khảo tại bài viết này.


6)Sony PSX:


Năm 2003, Sony kết hợp cả PS2 và đầu ghi kỹ thuật số vào một thiết bị duy nhất gọi là PSX. Với PSX, bạn có thể chơi game PS2 và ghi lại các chương trình TV vào ổ DVD hoặc đĩa cứng nhưng sản phẩm này chỉ được bán ở Nhật Bản. Nó cũng to hơn, nặng hơn và đặc biệt là giá cao hơn PS2 gấp nhiều lần. Tuy mức giá PS2 vẫn rất hấp dẫn khi so sánh với các thiết bị ghi video vào thời điểm đó nhưng nó vẫn không thuyết phục được nhiều người bỏ tiền ra mua.

7)Sony Mylo, điện thoại hay cái gì đây?


Vào năm 2006, một trong những thiết bị hấp dẫn nhất vào thời điểm đó là dòng Sidekick của nhà mạng T-mobile, một thiết bị hỗ trợ bàn phím qwerty để nhắn tin, email, liên kết với AOL và MSN cho các dịch vụ chat và tích hợp thêm một máy ảnh nhỏ nữa. Sony cố gắng thực hiện điều tương tự với Mylo, tuy vậy lại chỉ cho phép nó hoạt động trên mạng WiFi. Cho dù tích hợp những tính năng tiên tiến như Skype, trình duyệt web hay chat nhưng việc không có mạng data đã biến việc ra mắt thiết bị này thành một thất bại đáng buồn. Thế hệ Mylo thứ 2 vào năm 2008 cũng chẳng có gì thú vị hơn bản đầu tiên.

8)Máy "nghe nhạc" Rolly:


Rất thú vị, mình đã có dịp thử nghiệm Rolly và cảm thấy rất thích thú với chiếc máy này nhưng bỏ ra 300$ chỉ để xem một chiếc máy MP3 bộ nhớ 2GB nhảy múa thì thật là hơi quá so với khả năng của mình. Sony đã sử dụng 2 mô tơ 2 bên Rolly để làm nó nhảy theo điều nhạc, người dùng thậm chí có thể lập trình cách nhảy cho chú robot này và chia sẻ nó trực tuyến nhưng mức giá quá cao đã ngăn cản rất nhiều người dùng đến với Rolly. Cũng như Mylo, Rolly có bản 2 nhưng không bao giờ chúng ta thấy bản 3 được ra mắt.

9)Sony PSP Go:

Ra mắt với sau rất nhiều mong đợi tại E3 2009, PSP được cho là bản nâng cấp lớn của chiếc máy chơi game PSP nhưng nó không khác gì hơn là thất bại hiếm hoi của Sony trong thị trường game. PSP Go bỏ đầu đọc đĩa UMD để đạt được kích thước nhỏ và thời trang hơn nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc các game thủ không thể chơi lại những trò chơi mà họ đã mua trước đó. Cộng với giá bán cao hơn PSP thường, người ta không tìm ra lý do nào để nâng cấp lên PSP Go.

10)Sony XEL-1:


Không phải tất cả các sản phẩm thất bại đều vì khách hàng không quan tâm tới nó. Khi mới ra mắt, chiếc TV OLED đầu tiên trên thế giới XEL-1 được tất cả khách hàng ngưỡng mộ, ít nhất cho đến khi họ nhìn thấy mức giá 2000$ của nó. Dù vậy, nếu đang sở hữu chiếc TV 11 inch này thì bạn cũng vẫn cảm thấy an ủi vì tính đến thời điểm này thì vẫn không có nhà sản xuất nào khác thành công trong việc thương mại hóa màn hình OLED lớn hơn đến với khách hàng.

Nguồn: Infoworld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.