Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một chiếc BlackBerry ngoài đời là lúc tôi còn học năm 2 đại học, hồi đó tôi còn chưa sử dụng điện thoại di động, tuy vậy tôi cũng đã được nhìn ngắm khá nhiều mẫu di động của bạn bè và những người chung quanh, ấn tượng đầu tiên về chiếc điện thoại “chùm dâu” của ông bạn đó là “xấu”. Nếu không lầm thì đó là một chiếc 7230 hay 7290 gì đó, một chiếc điện thoại cục mịch và khá thô. Đã từng được nghe nhiều về những chiếc smartphone nổi tiếng của hãng di động đến từ Canada này nhưng tôi hơi bất ngờ khi nó chẳng khác nào cái Radio của ông thầy tôi được sản xuất từ những năm 90 - “cái bánh mì đó được gọi là smartphone ư? Thậm chí nó còn không có phím gọi!?”, tôi hỏi. “À, tất nhiên, nó thông minh đến mức không cần phải có thêm phím gọi”, anh bạn tôi trả lời với nụ cười tinh quái. Ba năm sau tôi sở hữu chiếc smartphone đầu tiên (sau khi đã kinh qua hai chiếc “stupidphone” secondhand), đó là một chiếc BlackBerry 8700 của nhà mạng AT&T, đến bây giờ tôi vẫn dùng nó dù giờ đây trông nó còn tệ hơn cả một chiếc Radio của những năm 90.
Tôi không rõ lắm về trao lưu chơi BlackBerry ở Việt Nam, việc đó nhiều bạn ở diễn đàn này biết hơn tôi nhưng chắc chắn (hay ít nhất đã từng) rất sôi động, chỉ cần nhìn vào những con số thống kê gồm lượt người đọc, lượt bình luận, số lượng bài đăng trong mục BlackBerry và so sánh nó với các thông số tương tự ở các mục khác sẽ thấy sự quan tâm áp đảo của người đọc đối với các sản phẩm của RIM, thậm chí còn nhiều hơn cả sự quan tâm dành cho những thiết bị chạy Windows Mobile vốn đã hình thành từ rất lâu và chính thống. Rõ ràng những chiếc điện thoại “chùm dâu” đã rất lôi cuốn người dùng yêu thích tìm tòi, và ở khía cạnh này nó thể hiện sự vượt trội so với tất cả các dòng điện thoại khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi cũng nhận thấy những thông số tương tự dành cho iPhone nói riêng và nền tảng iOS nói chung cũng đã đạt được hơn một nửa, dù vẫn có khoảng cách khá xa với RIM nhưng cái “gia tốc” của iOS thật khủng khiếp. Nếu phải mất hơn 10 tiếng cỗ xe hầm hố của RIM mới tới Nha Trang thì xuất phát sau RIM rất lâu, chiếc xe hào nhoáng của Apple chỉ mất vỏn vẹn 1 giờ để đến Phan Thiết, và những người đặt cược cho RIM ở đích cuối - Huế hẳn đang vô cùng lo lắng, đấy là chưa kể một “Ducati” khác đến từ Google - Android.
Sự thụt lùi của RIM là điều khó tránh vì nó mang tính qui luật, bất cứ một hãng công nghệ nào cũng chỉ duy trì được thời đại hoàng kim của mình trong một khoảng thời gian nhất định tương ứng với 5-8 vòng đời sản phẩm, Microsoft đã từng thống trị lĩnh vực máy tính (dù Microsoft không sản xuất máy tính) và họ đã duy trì được triều đại của mình trong khoảng thời gian kỷ lục - gần 30 năm, tuy là ngoại lệ duy nhất đến thời điểm này nhưng Microsoft cũng phải thừa nhận rằng họ bây giờ đã là cựu vương và Apple mới là ngôi sao mới của làng công nghệ vốn thay đổi từng ngày. Theo cá nhân tôi, RIM chưa bao giờ được làm Vua (hay tổng thống cho hợp thời), nhưng ít nhất RIM cũng đã là một thống đốc bang kỳ cựu và cái bang mà RIM đang cai quản có lẽ là vùng đất bận rộn nhất thế giới vì đa phần họ là doanh nhân (hoặc tưởng mình là doanh nhân). RIM đã làm rất tốt trong lãnh địa của mình đến mức chẳng ai muốn vị thống đốc này ra tranh cử tổng thống vì như vậy họ sẽ mất đi sự quan tâm tập trung của ông quan nhiệt tâm và trách nhiệm này. Đáng tiếc, những người yêu RIM ngày một già đi và lớp trẻ lớn lên họ dành thời gian nhiều hơn cho những comment trên Facebook hay những lời mời kết bạn trên Twitter thay cho việc check mail, hay theo dõi tình hình chiến sự ở Iraq, vì thế với những người bi quan họ đã nghĩ đến viễn cảnh “ông đồ già” cho vị thống đốc tận tâm kia.
Hàng ngày tôi vẫn check mail và lướt web bằng chiếc BlackBerry 8700 cũ kĩ, trước đây tôi không gặp nhiều khó khăn với nó nhưng gần đây tôi phải tự mày mò để tìm cách soạn mail bằng tiếng Việt, phải lục lọi để tìm cách “push mail” vốn không được hỗ trợ ở Việt Nam cho đến khi Viettel tiên phong làm điều này, rồi phải khắc phục vô số những thứ rất tuyệt vời nhưng lại thành vô dụng khi nó không có đất để dụng võ. Dù vậy 8700 của tôi là quá đủ, kể cả những lúc tôi không có PC hay Laptop. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người ở VN đang dùng những chiếc “Radio của thập niên 90” này nhỉ? Tôi đã từng mua một chiếc 8700 cho một người bạn với giá 900 ngàn đồng, máy dùng rất tốt, nếu may mắn được tặng một thẻ GPRS miễn phí 9 tháng (thực ra là miễn phí 300mb) như tôi đây thì quả là không cần đến máy tính cho những nhu cầu cơ bản như mail, web, v..v.. Nếu có bạn chi tới hơn 20 triệu cho một chiếc laptop đời mới chỉ để phục vụ công việc với hơn 90% là lướt web, mail, chat thì việc bỏ ra hơn 900 ngàn để giải quyết phần lớn những điều này với tính cơ động cực cao quả là một món hời không phải ai cũng có đủ đam mê để tận hưởng. Tôi rút ra rằng, có lẽ phần đông những người sử dụng BlackBerry ở ta đang dùng và thỏa mãn với 8700 hay cổ hơn nữa là những chiếc 72xx. Và nếu bạn có một chiếc điện thoại trị giá 10 triệu thì đó rõ là một smartphone nhưng nếu bạn có một chiếc điện thoại trị giá 300 ngàn đồng mà vẫn mail, web ở giữa đồng thì bạn đang sở hữu một smartphone thực sự. Từ những quan sát trên tinhte.vn tôi có thể nhận thấy rằng trào lưu BlackBerry ở VN được hình thành và duy trì chủ yếu bởi những người đang sở hữu những chiếc smartphone thực sự này, điều đó giải thích vì sao họ rất trung thành và hăng hái.
Thế nhưng có phải chúng ta đang lạc hậu không? Rằng chúng ta đang níu kéo quá khứ? RIM đã ra đến OS thứ 6 và hàng chục mẫu máy mới kể từ khi 8700 xác lập một tiêu chuẩn (ít nhất là đối với RIM) về smartphone, nhưng những người dùng 8700 và 72xx vẫn chưa nhận ra nhiều người anh em mới, đã có nhiều người mua Bold nhưng số người bán Bold cũng nhiều không kém? Trong một thế giới được Thomas Friedman định nghĩa là Phẳng phải chăng lòng trung thành đã bị san sẻ cho nhiều thứ hay do bản thân RIM đã hụt hơi? Torch 9800 - ngọn đuốc đã được RIM thắp lên phải chăng là tìm kiếm lối ra trong một đường hầm tối tăm và đầy ngõ ngách!? Hơn ai hết RIM nhận thức được sức nặng của cạnh tranh đang đè nặng lên mình và cũng hơn lúc nào hết, ý nghĩa câu nói “cạnh tranh hay là chết” lại đúng với RIM đến thế, để rồi trong lúc căng thẳng hối thúc RIM đã đốt lên một ngọn đuốc chóng tàn.
BlackBerry 9800 dường như được trang bị mọi thứ cần thiết và rất hợp thời, từ màn hình chạm tới hệ điều hành hướng đến các tính năng multimedia và mạng xã hội, từ camera độ phân giải cao tới nắp trượt kiểu cách, người ta có thể đọc ra nhiều cái tên ngoài BlackBerry trong ngọn đuốc vội này của RIM, từ Apple, Google-android, SamSung,.... điều duy nhất về ngoại hình khiến người ta thêm chính RIM vào danh sách trên là bàn phím cứng qwerty, thật trớ trêu. Đúng là một chiếc điện thoại của thế giới Phẳng, RIM muốn cả giới nghệ sĩ, blogger, chatter và cả các bạn teen ưa sành điệu phải chú ý đến mình chứ không chỉ tầng lớp doanh nhân suốt ngày dính cằm vào ngực, chỉ biết đến phố Wall và các bộ Vest. Gần tuổi "cổ lai hy", vị thống đốc đáng kính của chúng ta lại diện áo hoa và quần ống loe xuống đường trong ánh mắt tròn, dẹt của nhiều người, giới trẻ thì hoan hô một phong cách hợp thời, người già thì lắc đầu ngán ngẩm. Có lẽ doanh số không được như ý muốn của Torch sẽ khiến RIM phải suy xét lại chiến lược kinh doanh của mình, ngọn đuốc đã tắt, tất cả lại tốt om và cái RIM cần không phải là một ngọn đuốc nhất thời khác mà là một cái la bàn chính xác...
Tôi đã rất muốn có một em Bold “mập” để trải nghiệm cảm giác mới nhưng sau khi dùng iPhone được gần 2 năm (cho công việc học) tôi nhận thấy rằng, Bold không bao giờ bằng 8700+iPhone, và tôi đã không cần đến iPhone nữa thì tôi cần đến Bold để làm gì! Trở lại với RIM, rõ ràng RIM đang đối mặt với khó khăn và đang cố gắng để tìm kiếm một tương lai cho các sản phẩm của mình, giữ truyền thống bằng cách đoạn tuyệt với những luồng văn hóa khác là điều rất cực đoan và xuẩn ngốc nhưng hòa nhập đến mức hòa tan thì nền văn hóa đó không có bản sắc, RIM đã tạo được bản sắc cho mình nhờ những model trong quá khứ, điều mong muốn của những khách hàng của RIM là RIM sẽ giữ và duy trì bản sắc đó. Vẫn luôn hy vọng không lâu nữa sẽ được sử dụng một 8700 ver 2.0 nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.