10/9/10

Đằng sau phát biểu của S. Hawking

Vũ trụ có một lịch sử
Một ngày nọ như bao ngày, khi Hubble mải miết hướng ống kính thiên văn lên bầu trời đầy sao để tìm kiếm những bí mật được ẩn giấu trong những khoảng không gian vô tận, ông chú ý đến một điều khác thường mà ông đã mơ hồ nhận ra nó từ nhiều ngày trước. Điều kỳ lạ này đã thôi thúc ông và lôi cuốn trí tò mò của ông một cách ghê gớm, ông nhận thấy phải tính toán nó một cách nghiêm túc và cuối cùng ông đã khám phá ra được một hiện thực kỳ lạ: Vũ trụ đang giãn nở!
Đó là một khám phá vô cùng quan trọng, vũ trụ đang vận động một cách tự thân chứ không tĩnh lặng mênh mông như ta tưởng. Nếu vũ trụ đang giãn nở thì tức là vũ trụ của ngày hôm nay sẽ rộng lớn hơn vũ trụ của ngày hôm qua và vũ trụ của 13,7 tỷ năm về trước, giống như một cuộn băng được tua lại, sẽ co lại là một điểm vô cùng nhỏ, tất cả những gì vũ trụ chứa trong nó như các thiên hà, các hành tinh, các đại dương, khung cảnh tuyệt đẹp của thác Niagara hay cái logo nhỏ xinh của diễn đàn Tinh Tế đã phải chịu nhồi nén với một mật độ vô cùng khủng khiếp trong sức nóng gấp hàng triệu lần sức nóng từ nhân Mặt trời trong buổi đầu khai sinh. Vũ trụ giống như một đứa trẻ, được sinh ra và lớn lên nhưng liệu nó có già đi, co sụm lại rồi chết hay nó sẽ lớn lên, giãn nở không ngừng!?
Câu trả lời thật tệ hại: Vũ trụ sẽ giãn nở mãi mãi, chúng ta sẽ chết trong lạnh lẽo và cô đơn khi tất cả các vì tinh tú sẽ rời xa chúng ta, bầu trời đêm lấp lánh ánh sao sẽ chỉ còn trong hoài niệm, tất cả những gì còn lại chỉ là sự giá lạnh vô cùng vì không còn mặt trời cũng như các ngôi sao khác (đủ gần) để chiếu sáng. Dù sao đó cũng là viễn cảnh của hàng chục tỷ năm nữa, một hiện thực quá xa vời nhưng cũng đủ để ta hình dung được một sự thật: Vũ trụ có một lịch sử.

Big Bang

13,7 tỷ năm về trước tất cả chúng ta (chính xác hơn là những hạt cơ bản và năng lượng cấu tạo nên chúng ta) đều chen chúc nhau trong một khoảng không gian vô cùng nhỏ hẹp (có thể coi như không có kích thước), một khoảng không gian nóng và chật hơn mọi không gian mà Thomas Friedman (tác giả “Chiếc Lexus và cây Oliu”) có thể tưởng tượng ra. Vậy điều gì đã khiến cho một hỏa ngục như vậy lại trở nên bao la và kỳ vĩ như vậy sau 13,7 tỷ năm? Đó chính là Big Bang, theo đúng nghĩa đen, Big Bang có nghĩa là Vụ Nổ Lớn, vụ nổ đã khai sinh vũ trụ để vũ trụ trở thành một Phù Đổng Thiên Vương lớn nhanh như thổi, không những giải phóng vật chất cùng năng lượng đang bị cầm tù mà còn kiến tạo ra không gian và thời gian cùng những yếu tố kỳ diệu để rồi vài tỷ năm sau đó, sự sống được phôi thai.

Các định luật Vật lý

Tất cả chúng ta đều biết đến Einstein, nhiều người nói về Einstein, một vài người viết về Einstein nhưng tôi đang tự hỏi có bao nhiêu người và họ là ai hiểu được Einstein!? Thuyết tương đối đã trở thành cụm từ thông dụng thậm chí còn được tìm kiếm nhiều hơn cụm từ Lady Gaga trên Google.com nhưng đến giờ phút này tôi mạnh dạn phát biểu rằng thuyết tương đối thực sự chỉ nằm trong đầu các nhà Vật lý và Toán học thực thụ, tất nhiên con số này ít hơn nhiều so với số lượt tìm kiếm Lady Gaga trên mạng.

Và dĩ nhiên tôi không hiểu Einstein nhưng thật may mắn tôi được đọc một tác phẩm của một người hiểu ông - Werner Heisenberg, trong tác phẩm của mình Heisenberg đã trình bày thuyết tương đối mà điều đó đã khiến tôi có cảm tưởng rằng tất cả các sách về Einstein và Thuyết tương đối mà tôi đã đọc trước kia chỉ là những cuốn tiểu sử và thực sự Einstein vĩ đại không phải vì người ta nói ông vĩ đại mà vì tự thân ông là một người vĩ đại. Einstein cho rằng các định luật Vật lý là một đặc tính tự nhiên của một không gian dù không gian đó không chứa bất cứ thứ gì (không gian rỗng), nói nôm na, những định luật vật lý là những bộ luật được ban hành sẵn và các không gian được áp dụng chỉ là các xã hội khi người ta mang bộ luật đó vào để thi hành, như vậy, các định luật vật lý đã tồn tại “trước” Big Bang (tôi dùng từ trước trong ngoặc kép vì từ này liên quan tới thời gian mà theo thuyết Big Bang thì không có khái niệm trước Big Bang do thời gian sinh ra cùng vũ trụ sau Vụ Nổ Lớn, các bạn có thể hiểu từ “trước” là không phụ thuộc vào Big Bang).

Sẽ có người hỏi, cái gì sinh ra các định luật Vật lý!? Trước hết chúng ta phải hiểu và chấp nhận rằng, lĩnh vực này vượt ngoài khả năng chúng ta ngay cả khi tán chuyện ba xu, vì câu trả lời sẽ là “Các định luật Vật lý là một thực tại”, các bạn thấy đấy, vượt ngoài khả năng của chúng ta rồi.

“Chúng ta tin vào Chúa”

Tôn giáo và khoa học đã bị đặt một lằn ranh không có thật bởi quán tính của lịch sử, số đông và thành kiến. Đã có một thời gian rất dài gắn với biết bao truyền thuyết ấn tượng về sự chia rẽ này từ khi Copernicus bị nhà thờ trừng phạt, việc thành lập hội Illuminati và đến tận ngày hôm nay cuộc tranh cãi, vốn đã bị đẩy xa khỏi bản chất, vẫn còn tiếp diễn. Đã có một topic bị đóng vì tranh cãi này và việc tôi viết bài này cũng không ngoài mục đích giúp các bạn trở nên thân thiện hơn giữa hai khái niệm Khoa học và Tôn giáo.

Ai hiểu được S. Hawking đang nói gì!? Ông là một người nghiên cứu khoa học và đến giờ phút này Hawking mới bắt đầu chấp nhận rằng Vũ trụ không được sinh ra bởi Chúa! Hãy lặng lại một phút để hiểu xem Chúa của Hawking là gì trước khi chuẩn bị câu chữ để sẵn sàng tranh luận. Các bạn ạ, trong Vật lý có rất nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu tin vào Chúa, nếu không lầm thì Thuyết Vị Nhân nổi tiếng trong Vật lý đề cập đến Chúa. Nhưng Chúa ở đây là gì!?

Khi tính toán khả năng để sự sống có thể tồn tại sau 13,7 tỷ năm tiến hóa của Vũ trụ các nhà khoa học đã nhận thấy xác suất để sự sống được hình thành còn nhỏ hơn hàng tỷ lần khối lượng một electron, hình tượng hơn, theo cách GS. Trịnh Xuân Thuận thường nói, còn nhỏ hơn xác suất một cung thủ đứng ở rìa này của vũ trụ nhắm bắn trúng vào một tấm bia diện tích 1cm vuông được đặt ở đầu kia của Vũ trụ (gần 14 tỷ năm ánh sáng). Ai đã cho chúng ta cơ hội để tồn tại, ai đã trao cây đũa thần cho 15 hằng số Vật lý để chúng phối hợp với nhau chính xác đến không tưởng để hình hài nên chúng ta? Ở tầm cao tư tưởng các nhà khoa học cảm thấy vô cùng bàng hoàng khi không thể giải thích được những điều như vậy càng ngạc nhiên hơn khi họ phát hiện trong kinh sách nhà Phật những điều trùng hợp đến kỳ lạ mà những kinh điển đó vốn được viết ra từ hàng ngàn năm trước. Một số người đã tin vào Chúa, nhưng chớ vội, thưa bạn, Chúa của họ hoàn toàn không như chúng ta quan niệm.

Chúng ta thường quan niệm Chúa là một người bằng xương bằng thịt với nhiều phép màu nhiệm cùng lòng nhân ái vô biên (với tôi thêm một bộ râu dài nữa). Người ban phúc lành cho chúng ta và quan trọng hơn ngưởi đã sinh ra chúng ta. Từ hình tượng về Chúa này chúng ta “nhân bản” ra hàng loạt các vị thần khác như thần Sông, thần Núi, thần Sấm, thần Chớp v.v... theo thời gian một số vị thần bị khai tử một số khác vẫn tồn tại dù “uy tín” chỉ còn đọng lại trong một nhóm người.

Chúng ta tranh luận về Chúa khi nghe Hawking nhắc đến Chúa nhưng thật tiếc, Chúa của Hawking hoàn toàn khác chúng ta, Chúa của ông là Thuyết Vị Nhân, là sự điều chỉnh của các qui luật Vật lý nhằm tạo ra một Big Bang mà ở đó con người và các sinh vật sống được phôi thai. Chúng ta đã lạc đề một cách ngây thơ và khó tránh vì dù sao, chúng ta thuộc về phần đông.

Lời kết

Để kết thúc, các bạn hãy nghe Einstein nói về Phật giáo: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học…. Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.