Cụ thể, theo hãng tin Reuters dẫn báo cáo ngày 11/8 của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại trong tháng báo cáo tăng lên 49,9 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 10/2008, thời điểm thương mại toàn cầu suy sụp trước sự đổ vỡ của ngân hàng Lehman Brothers.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 3% lên 200,3 tỷ USD, do nhu cầu nội địa ngày càng cải thiện. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu, yếu tố có thể hỗ trợ đà hồi phục kinh tế và tăng trưởng việc làm, lại rớt 1,3%, xuống 150,5 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của Mỹ giảm 1.3% xuống 150.5 tỷ USD, kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2009. Điểm sáng duy nhất của lĩnh vực này là xuất khẩu xe hơi leo lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Trên thị trường tài chính, đồng USD lại lùi về gần mức thấp nhất trong 15 năm qua so với đồng Yen Nhật trong phiên 11/8 tại thị trường Singapore, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED ) đưa ra đánh giá bi quan hơn về nền kinh tế Mỹ.
Chính lòng tin suy yếu này đã đẩy giá đồng Yen lên cao khi giới đầu từ đẩy mạnh bán ra đồng USD và Euro để mua vào đồng Yen, coi đây là một kênh đầu tư an toàn. Mặc dù giảm giá so với đồng yen Nhật, nhưng đồng USD lại trải qua một phiên tăng giá nữa so với đồng Euro.
Chiều 11/8 tại Tokyo, đồng USD giảm xuống mức 85,29 Yen/USD, so với 85,38 Yen/USD đêm trước. Trong khi đó, đồng Euro tiếp tục giảm giá so với cả đồng USD và Yen Nhật, xuống mức 1,3109 USD/Euro và 111,79 Yen/Euro.
Theo giới kinh doanh, sự tăng giảm không đều này là do FED chỉ đưa ra một số các biện pháp khiêm tốn với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ sau khi có số liệu cho thấy tốc độ hồi phục từ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang chậm lại.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc tăng lên 26,2 tỷ USD, từ mức 18.4 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, do việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lao mạnh lên mức 32,9 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với các nhà sản xuất Đông Á, Đức và Liên minh châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất kể từ tháng 10/2008.
Trong khi đó, theo số liệu được Chính phủ Trung Quốc công bố một ngày trước, thặng dư thương mại tháng 7/2010 của Trung Quốc đã tăng 170%, lên mức cao nhất trong 18 tháng qua, do kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao.
Theo hãng tin AFP, điều này cho thấy, kinh tế Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng rất ít từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và sự phục hồi kinh tế yếu ớt ở Mỹ, trong khi người tiêu dùng ở nước ngoài tiếp tục tăng mua tivi, quần áo, giày dép do Trung Quốc sản xuất.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng báo cáo tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước, lên 145,52 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 22,7% lên 116,8 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại đạt 28,7 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 1/2009.
Với thành quả này, thặng dư thương mại tháng 7 của Trung Quốc cao hơn hẳn mức 20,02 tỷ USD trong tháng 6 và vượt xa con số dự báo 19,6 tỷ USD của giới phân tích. Điều này cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ kể từ tháng 3, khi Trung Quốc bị thâm hụt thương mại.
Giới phân tích cho rằng, sự khác biệt giữa số liệu của Trung Quốc và của Mỹ có thể khiến giới chính khách Mỹ tăng cường kêu gọi Trung Quốc tăng giá hơn nữa đồng Nhân dân tệ so với đồng USD. Và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có khả năng sẽ phải hứng chịu thêm nhiều áp lực từ bên ngoài đối với vấn đề tỷ giá đồng nội tệ.
Kể từ hôm 19/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chấp thuận linh hoạt tỷ giá Nhân dân tệ so với USD. Tuy nhiên, mức tăng giá không lớn đã khiến giới chính trị gia Mỹ không hài lòng. Hôm 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã kêu gọi Trung Quốc tăng giá đồng Nhân dân tệ nhanh và mạnh hơn nữa.
Theo Reuters, VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.