Cụ thể, vào lúc 4h chiều nay (theo giờ Việt Nam), đồng Yên giao dịch với USD ở mức 84,34 Yên/USD, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Trong khi, tỷ giá Yên/Euro ở mức 106,14 Yên/Euro, cao nhất kể từ
tháng 11/2001 tới nay. Đồng Euro cũng giảm giá xuống mức thấp nhất trong 6 tuần so với USD, khi đứng ở 1,2607 USD/Euro.
Theo giới phân tích, việc đồng Yên và USD đồng thời tăng giá mạnh so với Euro, là bởi các số liệu gần đây cho thấy khả năng phục hồi của thị trường nhà đất Mỹ sẽ chững lại, và chỉ số niềm tin người tiêu dùng Đức xuống dốc.
“Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại, khi nào chúng ta thấy tâm lý toàn cầu bi quan, tâm lý e ngại rủi ro sẽ khiến nhà đầu tư tìm đến đồng USD và đồng Yên”, ông Yoshiaki Ota, Trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối thuộc tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui, nhận xét.
Còn nhiều đỉnh cao mới
Trong khi đó, theo nhận định của ông Shawn Baldwin, Chủ tịch công ty tư vấn và nghiên cứu Capital Management Group, việc đồng Yên tăng giá trong thời gian gần đây là do sự chênh lệch lãi suất thấp, những lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới và khả năng can thiệp tiền tệ của Chính phủ Nhật Bản.
Các số liệu gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã chậm lại trong quý 2/2010. Hiện, các nhà hoạch định chính sách nước này đang phải đối mặt với áp lực bảo vệ sự phục hồi kinh tế, bởi đồng Yên tăng giá đe dọa tác động xấu tới doanh lợi của các hãng xuất khẩu và làm cho tình trạng giảm phát trở nên tồi tệ hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda, cho biết đang theo dõi thị trường tiền tệ và sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với ngân hàng trung ương về các vấn đề kinh tế. Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Naoki Minezaki, cho biết “không nghi ngờ gì về việc đồng Yên mạnh đang tác động mạnh đến xuất khẩu”.
Việc đồng yên không ngừng mạnh lên làm giảm doanh thu của các công ty Nhật thu được từ Mỹ khi quy đổi ra đồng Yên. Các doanh nghiệp Nhật vì thế liên tục kêu gọi giảm thuế, song cho đến nay họ vẫn không nhận được bất kỳ sự can thiệp nào về chính sách tiền tệ.
Sự mạnh lên của đồng Yên không bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế nội địa của Nhật Bản, mà là sản phẩm của lợi nhuận mang lại từ lĩnh vực tư nhân và nhà đầu tư quốc tế. Việc đồng USD đi xuống có thể sẽ khiến sự can thiệp tiền tệ của cả hai bên Mỹ, Nhật không thành công.
Lần gần nhất mà Ngân hàng Trung ương Nhật can thiệp vào tỷ giá đồng yên là vào năm 2003, khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản bán đồng Yên 126 ngày trên thị trường mở để mua vào 315 tỷ USD. Biện pháp đó đã giúp đồng Yên hạ 11%.
Khả năng thành công của biện pháp can thiệp để thay đổi hướng đi trong dài hạn của tiền tệ sẽ chỉ phát huy tác dụng khi các nước cùng hợp tác, song điều này khó xảy ra ở thời điểm hiện tại. Có thể thấy các nước G8 đã không hề can thiệp vào thị trường tiền tệ trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính. Do vậy khả năng can thiệp cả về mặt kinh tế và chính trị trên thực tế là rất thấp.
Nhiều người đã trông đợi vào cuộc gặp Thủ tướng Naoto Kan và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shirakawa để bàn về vấn đề đồng Yên. Tuy nhiên, thay vì cuộc gặp riêng rẽ, hai ông sáng nay đã có cuộc điện đàm, song cả hai quan chức đã không đề cập đến bất kỳ một sự can thiệp nào vào vấn đề tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ.
Yoshito Sengoku, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, cho biết: “Thủ tướng đã gọi điện cho Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật và tiến hành trao đổi về tình hình kinh tế, tài chính đất nước. Cả hai ông đều thống nhất rằng, chính phủ và ngân hàng Trung ương cần hợp tác chặt chẽ với nhau”. Tuy nhiên, vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ trong tương lai lại không được hai ông đề cập tới.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc đã tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ Nhật Bản lên thêm 6,2 tỷ USD trong quý 1/2010, cao gấp đôi con số kỷ lục vào năm 2005. Trong tháng 6 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục mua 456,4 tỷ Yên (5,3 tỷ USD) trái phiếu, sau khi đã mua vào một lượng trái phiếu kỷ lục trị giá 735,2 tỷ Yên trong tháng 5.
Tuy vậy, Trung Quốc không phải nước sở hữu lớn nhất tiền tệ của Nhật Bản. Anh quốc mới là quốc gia sở hữu dự trữ đồng yên lớn nhất thế giới. Năm ngoái, quốc gia này đã mua 26.300 tỷ Yên và đầu tư thêm 18.300 tỷ Yên trong năm nay. Những yếu tố này đã khiến đồng Yên tăng giá mạnh hơn. Do đó, theo ông Shawn Baldwin, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ còn đẩy giá đồng Yên lên những kỷ lục mới.
Không chỉ là bất lợi
Việc đồng Yên tăng giá đang khiến giới chức Nhật Bản đau đầu tìm phương hướng giải quyết cho vấn đề xuất khẩu suy giảm, nhưng không vì thế mà giới kinh doanh nản lòng. Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng, tình hình không quá tồi tệ như lo ngại.
Ngay như trong giai đoạn kinh tế suy thoái trầm trọng, 10 doanh nghiệp làm ăn có lãi trên thị trường chứng khoán Tokyo vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2009. Cũng trong năm đó, khi khủng hoảng lên tới đỉnh điểm, giới doanh nghiệp Nhật Bản vẫn thu được 545 tỷ USD.
Theo tiến sĩ Sachio Semmoto, ông chủ của hãng viễn thông Emobile, đơn vị đang tìm kiếm một thỏa thuận với Softbank về chia sẻ mạng di động tốc độ cao, đồng Yên cao thực tế lại có lợi cho Nhật Bản, bởi lẽ nhiều công ty Nhật có trong tay rất nhiều tiền mặt. Đồng Yên cao chính là một cơ hội tuyệt vời để Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài.
Điển hình cho ví dụ này là thương vụ mua lại công ty Frucor (New Zealand) của Hãng thực phẩm và giải khát Suntory hồi tháng 10. Trong năm tài khóa 2009 (kết thúc tháng 3/2010), các hoạt động M&A giữa doanh nghiệp Nhật với New Zealand đã tăng gấp 3 lần. Theo tiến sĩ Semmoto, đồng Yên tăng giá là cơ hội tốt để Nhật Bản hội nhập với thế giới.
Còn theo ông Hiroshi Ito, Giám đốc hãng kiểm tra an toàn thực phẩm Hill Laboratories, mặc dù đồng Yên tăng giá có nhiều bất ngờ, nhưng ông vẫn lạc quan về tương lai của Hill Laboratories tại châu Á, thậm chí ông còn cho rằng, đây là cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp kiểm định thực phẩm Nhật Bản.
Với dân số bị lão hóa, năng lực sản xuất thực phẩm ở Nhật Bản chỉ cung ứng đủ 40% nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Việc đồng Yên tăng giá sẽ khiến sức mua nội địa của Nhật Bản tăng mạnh. Do đó, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tại những nước chuyên xuất khẩu nông sản, có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn sang Nhật Bản, và các doanh nghiệp kiểm định thực phẩm sẽ có nhiều việc phải làm.
Theo VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.