Những công ty lớn của Nhật từ Toyota tới Sony đều báo lãi vượt dự kiến trong quý 2/2010, đồng thời 1/6 số doanh nghiệp niêm yết của nước này tăng dự báo về lợi nhuận cho thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Nhật Bản tới giờ gần như vẫn chưa thoát khỏi mức đáy của năm thiết lập hồi tháng 7, với chỉ số Nikkei 225 vẫn thấp hơn 15% so với mức đỉnh của năm thiết lập hồi tháng 4. Thêm vào đó, mây đen đang tiếp tục bao phủ tâm lý của các cổ đông, các nhà hoạch định chính sách và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật.
Tờ Financial Times cho biết, nguyên nhân hàng đầu cho thực trạng này của các công ty Nhật nằm chính ở đồng Yên. Sau khi liên tục tăng giá trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, đồng Yên giờ lại tiếp tục tăng giá. Tỷ giá Yên/USD hiện đang ở gần mức cao nhất trong 14 năm thiết lập vào tháng 11/2009, với 84,80 Yên ăn 1 USD.
Từ đầu năm tới nay, Yên Nhật đã tăng giá 7% so với USD và Won Hàn Quốc, thậm chí còn tăng 15% so với đồng Euro.
“Hiện chỉ có các công ty Nhật là phải làm ăn trong bối cảnh rủi ro tỷ giá hối đoái lớn”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Masayuki Naoshima phát biểu hồi tuần trước. Ông Takahiko Ijichi, một giám đốc của Toyota thì cho rằng, viễn cảnh tỷ giá đồng Yên “không biết đường nào mà lần”.
Mối đe dọa lớn nhất trong những tháng sắp tới là, tương tự như thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng Yên vẫn mạnh dù kinh tế toàn cầu giảm tốc. Sản xuất công nghiệp ở Nhật trong tháng 6 vừa qua đã giảm sút, và các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Nhật trong nửa cuối của năm nay sẽ trong tình trạng trì trệ.
Mặc dù tỷ giá đồng Yên đang leo thang so với USD, trong dự báo về triển vọng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp Nhật, bao gồm các “đại gia” như Toyota, Sony và Canon, mức tỷ giá bình quân cho năm nay vẫn được cho là mức 90 Yên/USD. Toyota đã tăng mức dự báo lợi nhuận ròng của hãng thêm 30 tỷ Yên lên 340 tỷ Yên cho năm tài khóa 2010 kết thúc vào cuối tháng 3/2011.
Chiến lược gia thị trường chứng khoán Nicholas Smith tại công ty MF Global cho rằng: “Đồng Yên mạnh giờ không còn đồng nghĩa với thị trường chứng khoán tại Nhật mạnh nữa. Trước đây, đồng Yên mạnh nhờ thành công của các công ty Nhật khiến các tài sản Nhật hấp dẫn, đẩy Yên tăng giá. Giờ đây, sức mạnh của đồng Yên chỉ phản ánh những yếu kém của kinh tế Mỹ và Eurozone. Đối với một quốc gia sống chết phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản, thị trường xuất khẩu xuống dốc đúng là thảm họa”.
Đồng Yên mạnh càng khiến những thách thức mà các công ty Nhật đương đầu trong cuộc suy thoái gần đây thêm phần tồi tệ, vì đồng nội tệ mạnh khiến hàng xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc giảm sức cạnh tranh giữa lúc nhu cầu tại các thị trường bên ngoài co rút nhanh chóng. Trong khi đó, sự mất giá của đồng Won Hàn Quốc diễn ra cùng khoảng thời gian đã cho phép các doanh nghiệp của xứ kim chi như Samsung hay Hyundai tranh thủ chiếm thị phần.
Theo Toyota, biến động tỷ giá đã “cướp” mất 760 tỷ Yên khỏi kết quả kinh doanh của công ty này trong thời kỳ tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Kể từ đó, đồng Yên đã tăng giá thêm 15% so với đồng USD, buộc Toyota phải cắt giảm chi phí và thu hẹp sản xuất trong nước mạnh tay hơn nữa. Tháng trước, hãng xe lớn nhất thế giới này đã công bố một kế hoạch 5 năm nhằm giảm sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu bằng cách xây nhà máy tại Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mỹ.
“Xét cho cùng, chiến lược tốt nhất là sản xuất xe ngay tại thị trường tiêu thụ”, ông Ijichi nhận định.
Lĩnh vực xuất khẩu đóng góp 15% vào GDP của Nhật, một tỷ lệ thậm chí là thấp so với nhiều nước trên thế giới – như ở Đức, tỷ lệ này là 1/3, ở Anh là trên một nửa. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là nền kinh tế quy mô lớn của Nhật đang trong tình trạng đình trệ, và những công ty lớn nhất, nhiều lợi nhuận nhất của Nhật lại phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường bên ngoài hơn ở các quốc gia khác.
Các doanh nghiệp Nhật đã đẩy mạnh xây nhà máy ở nước ngoài từ thập niên 1980, nhưng hầu hết vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, một phần vì những áp lực xã hội mà họ có thể phải đối mặt nếu đóng cửa nhà máy ở nội địa. Toyota dự báo sẽ xuất khẩu một nửa số xe hơi sản xuất trong nước trong năm nay. Đối với các tập đoàn lớn khác như Canon, Nikon và Mazda, tỷ lệ này là trên 75%, không thay đổi gì mấy so với cách đây một thập kỷ.
Nhà kinh tế Hiromichi Shirakawa thuộc ngân hàng Credit Suisse cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán Nhật, mà nền kinh tế nước này nói chung cũng chịu tác động bất lợi từ sự mạnh lên của đồng Yên, vì các công ty phải ra sức cắt giảm tiền công lao động để duy trì sức cạnh tranh. “Họ có hai lựa chọn. Một là sản xuất trong nước và đề nghị công nhân chấp nhận lương thấp, hai là phải sản xuất ở nước ngoài”, ông Shirakawa nói.
Cách đây vài năm, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật có thể chờ Bộ Tài chính nước này bán ra đồng Yên ở những thời điểm tỷ giá đồng tiền này tăng cao nhằm hạ nhiệt tỷ giá. Nhưng từ năm 2004 tới nay, Nhật Bản đã không can thiệp vào thị trường ngoại hối, và các chuyên gia cho rằng, với sự ảm đạm của kinh tế thế giới và Trung Quốc chịu sự chỉ trích của phương Tây về chính sách tỷ giá Nhân dân tệ thấp, sẽ khó có chuyện Nhật áp dụng chính sách can thiệp như trước.
Nhưng không phải mọi chuyện đều tệ cả.
Chiến lược gia thị trường tiền tệ Mansoor Mohi-uddin thuộc ngân hàng UBS cho rằng, mặc dù đồng Yên đang rất mạnh so với USD, so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác, đồng Yên vẫn chưa hẳn là quá mạnh. Đây có thể được xem là một điều tốt lành với những công ty Nhật đã giảm bớt được sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong bối cảnh nhu cầu từ châu Á và các thị trường khác khởi sắc hơn. “Vào giữa thập niên 1990, tình hình còn đáng lo hơn, vì đồng Yên khi đó còn mạnh hơn bây giờ nhiều”, ông Mohi-uddin nói.
Bài báo của Financial Times kết luận, theo các nhà kinh tế học, một thập kỷ giảm phát ở Nhật Bản đồng nghĩa với việc tỷ giá hối đoái ngày nay khiến đồng Yên có vẻ mạnh hơn so với tỷ giá thực nhìn từ góc độ được điều chỉnh theo giá cả (price-adjusted terms). Tuy nhiên, đó là một con dao hai lưỡi đối với các công ty. Trên phương diện tỷ giá thực so với cách đây 14 năm, các doanh nghiệp Nhật có thể chịu ít áp lực hơn, nhưng cũng chính vì thế mà đồng Yên có thể có cơ hội lớn hơn để tăng giá.
The Financial Times, VnEconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.