Tuy năm 2009 kinh tế thế giới suy thoái, nhưng các tỉ phú Nhật vẫn ăn nên làm ra. Theo tạp chí Forbes xuất bản tại châu Á, tổng tài sản của 40 người giàu nhất Nhật Bản tăng từ 69,5 tỉ USD lên 87 tỉ USD. Trong đó Tadashi Yanai có lợi nhuận tăng 20% và kiếm được 3,1 tỉ USD. Như vậy, tổng tài sản của ông hiện có 9,2 tỉ USD.
Kẻ nối nghiệp nghèo khó
“Người ta kể cho tôi rằng, thuở nhỏ, đạo diễn lừng danh Tadashi Kitano từng bị sốc vì mùi chocolate, khi một người lính Mỹ cho ông ăn thử lần đầu tiên. Với tôi, cảm giác mạnh nhất thời thơ ấu là cà phê, cũng là của Mỹ – Tadashi Yanai nhớ lại – Bố tôi pha một ly cà phê cho tôi và từ đó đến nay tôi vẫn nhớ hương vị của nó… Có lẽ đây là cú hích giúp tôi quan tâm đến mọi chuyện của phương Tây. Chúng tôi biết cách tiếp thu và rút ra những kết luận hợp lý từ những bài học mà mình nhận được từ người của các nước khác. Chúng tôi học ở người Trung Quốc, rồi người Anh, người Đức, Pháp và cuối cùng là người Mỹ. Nhưng chúng tôi không bao giờ bắt chước họ mà chuyển hóa, sáng tạo phát triển các tư tưởng lạ…”.
Tadashi Yanai phát biểu như một chính trị gia và điều đó không có gì lạ. Sinh năm 1957, đến năm 1971 ông tốt nghiệp Đại học Waseda – nơi được coi là bước khởi đầu của các chính trị gia Nhật. Tuy nhiên, sau khi nhận tấm bằng của khoa Chính trị, Yanai không theo đường chính trị. Ông cũng không như các bạn bè đồng trang lứa theo đuổi các môn võ thuật hay nghệ thuật mà quyết định nối nghiệp gia đình là sản xuất, buôn bán trang phục nam. Vào năm 1949, cha của Yanai mở cửa hàng bán quần áo nam mang tên Ogori Shoji tại thành phố Ube, khởi đầu cho một sự nghiệp lẫy lừng sau này.
“Đừng nghĩ tôi là người nối nghiệp giàu có – Yanai nói – Tôi chỉ là người làm tiếp công việc vĩ đại mà cha mẹ đáng kính của tôi khởi xướng. Phương Tây có nhiều vương quốc kinh doanh mà tiền được chuyển giao cho từ thế hệ ông nội – cha – con – cháu… Trường hợp của tôi không thế. Ông tổ của tôi là người nghèo khó, còn bố tôi chỉ có hai cửa hàng mà hình dung theo nghĩa hiện đại cũng khó. Tôi tự làm nên sự nghiệp từ số không. Như thế nào? Nhưng đó đã là câu chuyện khác”.
Thời trang toàn cầu
“Tadashi Yanai không năng động như người sáng lập hãng hàng không Virgin – Richard Branson; không nguyên tắc cứng nhắc như ông chủ của Tập đoàn đồ gỗ IKEA – Ingvar Kamprad; không trẻ trung như Mark Zuckerberg – người khai sinh Facebook, báo France-Soir của Pháp viết về người giàu nhất xứ sở Phù Tang. Yanai khác những người vừa nêu ở tính đa năng bách nghệ và sự giản dị. Mạng lưới Fast Retailing thuộc UNIQLO ở phương Tây thường bị chỉ trích vì lãnh đạo ở đó phần lớn là người Nhật. Nhưng Yanai không đồng ý với điều này. Ông nói: “Thứ nhất, gần 20 năm qua chúng tôi là công ty Nhật Bản cho dù có sự chuyển dịch. Ngoài ra, thông qua UNIQLO chúng tôi còn mua lại các hãng khác của nước ngoài. Chẳng hạn, hãng Princesse tam.tam có 90% nhân viên là người Pháp”. Ngoài Princesse tam.tam, vào năm 2005 Yanai còn mua lại thương hiệu khác cũng của Pháp là Comptoire des Cotonniers. Tất cả tạo nên một bộ máy hoạt động hết sức hiệu quả trong cơ cấu của UNIQLO.
Yanai mở cửa hàng UNIQLO đầu tiên vào năm 1984 tại Hiroshima. Sau đó 14 năm cửa hàng thứ hai xuất hiện ở Harajuku – khu chuyên bán quần áo ở Tokyo. Một năm sau – 1999, hãng bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán Tokyo. Người Nhật khi đó đầu tư vào cổ phiếu UNIQLO khá nhiều vì ai cũng biết, trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào thì người ta vẫn phải mua quần áo chất lượng với giá chấp nhận được. Đây chính là thời điểm Yanai bắt đầu tăng tốc và hiện ông nắm 30% cổ hiếu của UNIQLO.
Sau khi chiếm lĩnh thị trường tại Nhật, Yanai bắt đầu vươn ra nước ngoài. Vào năm 2001, tại London, Anh, cửa hàng UNIQLO đầu tiên xuất hiện. Sau đó là Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc)…Đến năm 2005, tại phố Ginza ở Tokyo khánh thành trung tâm thương mại UNIQLO rất lớn cùng các cửa hàng bán đồ lót phụ nữ, cửa hàng bán đồ trẻ em. Còn vào năm 2006, tại New York, Mỹ, siêu thị của UNIQLO được khánh thành, mở đầu cho việc bành trướng của Tadashi tại Mỹ.
Tại châu Âu, các thương hiệu thời trang khác như Zara của Tây Ban Nha, Gap của Mỹ, H&M của Thụy Điển là các đối thủ cạnh tranh của UNIQLO. Nhưng ở Paris, kinh đô thời trang thế giới, thương hiệu của người Nhật vẫn trụ vững nhờ số lượng dày đặc các cửa hàng bán quần áo với giá khá “mềm”. Hơn thế, tuy không phải lúc nào cũng bắt kịp xu hướng mốt, nhưng Yanai được người tiêu dùng chuộng vì thường sử dụng các chất liệu thiên nhiên, hướng đến sự tươi trẻ trong phong cách thời trang.
Phát triển theo cấp số nhân
Cũng cần nói thêm, UNIQLO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh – Unique Clothing (thời trang duy nhất). Điểm mạnh của loại thời trang này là nó không hướng tới số đông, không tạo nên phong cách tổng hợp mà thường cho ra những mẫu mã độc đáo, có chất lượng chấp nhận được với giá khá rẻ (trên dưới 20 USD/bộ). Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, điều này cực kỳ quan trọng với người tiêu dùng.
Một trong những bí quyết để tạo nên thành công của Yanai là tiết kiệm chi phí tối đa cho quảng cáo khi chỉ tập trung vào internet. Ông luôn cố gắng giữ giá rẻ để bán được nhiều hàng. Nói thế, nhưng hàng của UNIQLO dù được sản xuất tại Trung Quốc hay Việt Nam thì chất lượng vẫn như hàng sản xuất tại Nhật. Nhờ thế, mà Yanai giữ vững và phát triển được thương hiệu. Ngay cả trong thời buổi khó khăn này, Fast Retailing vẫn phát triển với cấp số nhân: 793 cửa hàng tại Nhật và 126 trên thế giới. Mục tiêu ưu tiên là trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… UNIQLO đang toan tính để trong tương lai không xa nâng doanh số bán hàng lên 7 lần khi chuẩn bị mỗi năm mở thêm 100 cửa hàng tại Trung Quốc.
“Tôi không thích khi người ta nói hãng của tôi là gia đình – Yanai nói – trước đây vợ tôi cùng làm việc với tôi, nhưng giờ cô ấy chỉ làm nội trợ. Tôi là người tôn trọng và tuân thủ truyền thống. Hai người con trai của tôi tuy nắm giữ 10% cổ phiếu/người, nhưng chúng không tham gia việc điều hành hãng. Khi nào muốn thì chúng phải tự bắt đầu khai phá con đường cho mình… Cần phải thừa nhận rằng, người Nhật là dân tộc lạ lùng. Có khả năng tự phục hồi từ tình huống không tưởng. Khi bắt đầu hành động, chúng tôi thường bên bờ vực thẳm. Trong kinh tế hiện giờ tình hình cũng như thế”. Và trong tình thế đó, tỉ phú Nhật Bản dường như đang cảm thấy mình như cá trong nước.
Theo VietnamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.