21/7/10

Những người đi trước thời cuộc

Đây là thời điểm các doanh nghiệp đang nỗ lực tái kiến thiết hoạt động kinh doanh cho giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Và nhà lãnh đạo nào có tầm nhìn xa trông rộng sẽ có thể dẫn đầu lĩnh vực của mình trong thập niên tới. Sau đây là 8 nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa do Tạp chí Fortune bình chọn.
1. Indra Nooyi

Với cương vị Tổng Giám đốc (CEO) của PepsiCo, tập đoàn thực phẩm và nước giải khát lớn nhất Bắc Mỹ, ảnh hưởng của Indra Nooyi trong lĩnh vực của mình là điều không cần bàn cãi. Bà không ngừng theo đuổi phương châm “Hiệu quả đi liền với mục đích”, tức là làm thế nào để danh mục thực phẩm và nước giải khát của PepsiCo có lợi cho sức khỏe con người.
Hiện nay, doanh thu của PepsiCo từ những sản phẩm mà tập đoàn này quảng cáo là “tốt cho sức khỏe của bạn” như Quaker Oats và Tropicana là 10 tỉ USD. Và mục tiêu của PepsiCo là nâng con số này lên gấp 3 lần vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, Nooyi sẽ cắt giảm 25% hàm lượng Natri trong các loại thức ăn nhẹ vào năm 2015, đồng thời giảm lượng chất béo bão hòa và đường trong các loại nước giải khát với tỉ lệ tương ứng là 15% và 25% vào năm 2020.
2. Jim Rogers



Là người cầm cương tại Duke Energy, công ty khai thác than lớn thứ ba nước Mỹ, CEO Jim Rogers luôn đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường và cổ vũ sử dụng năng lượng tái tạo. Ông đặt niềm tin vào than sạch và công nghệ tách CO2 khỏi than, sau đó lưu trữ chúng ở sâu dưới lòng đất. Ông đã thử nghiệm thành công công nghệ này tại nhà máy khí hóa than ở Indiana. Rogers cũng đã đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại Trung Quốc.
3. James Cameron



Phim 3D không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây, mà những tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại này như House of Wax đã được trình chiếu từ năm 1953. Tuy nhiên, mãi đến khi phim bom tấn Avatar thành công, phim 3D mới thực sự bùng nổ. Ngày nay, Hollywood đặt trọn niềm tin vào tầm nhìn của đạo diễn James Cameron để giúp khán giả có những trải nghiệm mới về phim ảnh.
Tương lai của ngành điện ảnh chính là công nghệ phim 3D mà Cameron đã mất hơn 10 năm để phát triển. Thay vì sử dụng công nghệ hiện có, Cameron đã phát triển một thế hệ máy quay lập thể ảnh nổi có độ phân giải cao giúp cắt giảm trọng lượng các thiết bị sản xuất phim 3D xuống chỉ còn 22 kg thay vì hơn 200 kg như trước. Và rõ ràng thành công không thể chối cãi của Avatar với doanh thu cao nhất mọi thời đại hơn 2,5 tỉ USD đã minh chứng cho tầm nhìn của vị đạo diễn này.
4. Sheila Bair



Đảm nhận vị trí Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ, từng được đánh giá là khá nhàm chán, Sheila Bair đã dần nâng cao vị thế của mình nhờ tiên liệu được khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng và tích cực vận động hành lang để thông qua đạo luật ngăn tịch biên tài sản để xiết nợ.
Bà luôn nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp và cả những người phản đối. Bà thường xuyên bất đồng với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson về Chương trình Giải cứu Tài sản xấu và gần đây là với các nhà làm luật nhằm bảo vệ người vay thông qua các cơ quan độc lập của Chính phủ. Bà cũng từng tranh luận với Thượng nghị sĩ Chris Dodd về một số điều khoản trong dự luật cải cách tài chính mà bà cho rằng sẽ tạo điều kiện cho việc gian lận khi phân bổ các gói cứu trợ kinh tế. Và kết quả là ông Dodd tuyên bố sẽ xóa bỏ một số điều khoản nói trên.
5. Christoph Westphal



Năm 2004, Christoph Westphal đã cùng với David Sinclair (một nhà nghiên cứu thuộc Trường Y của Đại học Harvard) sáng lập ra Sirtris Pharmaceuticals. Sinclair là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu resveratrol, một loại hợp chất tự nhiên có trong nho, dâu tằm và đặc biệt là rượu vang đỏ, có tác dụng chống lão hóa, bệnh ung thư và tim mạch.
Sirtris đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 2 để sản xuất loại dược phẩm gọi là New Chemical Entities có chứa hợp chất resveratrol. Một số nhà đầu tư gạo cội như Peter Lynch hay John Henry đã hỗ trợ dự án này rất nhiều trước khi nó được bán lại cho hãng dược GlaxoSmithKline (Anh) vào năm 2008 với giá 720 triệu USD.
6. Jeff Bezos



Hiện nay, Amazon, được khai sinh năm 1994 và do Jeff Bezos điều hành, là một thị trường ảo khổng lồ. Năm vừa qua, khi kinh tế thế giới chựng lại vì khủng hoảng, Amazon là một trong số ít các công ty có mức tăng trưởng hai con số cả về lợi nhuận lẫn doanh thu. Năm 2009, doanh thu của Công ty đã đạt 24,5 tỉ USD và lợi nhuận là 902 triệu USD.
Thành cô của thiết bị đọc sách điện tử Kindle là một minh chứng cho tầm nhìn của ông. Dù gần đây, nhiều người cho rằng, sự xuất hiện của iPad sẽ đặt dấu chấm hết cho Kindle của Amazon nhưng khoảng cách giữa Kindle và iPad vẫn còn rất xa. Bởi Kindle không chỉ dễ sử dụng (hơn iPad) mà còn cho phép người dùng truy cập vào thư viện sách hơn 450.000 cuốn của Amazon.
7. Steven Chu



Bộ trưởng Năng lượng thường được xem là vị trí có sức ảnh hưởng thấp nhất trong Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, mọi việc đã khác khi Steven Chu đảm nhận chiếc ghế này.
Là nhà vật lý học từng đoạt giải Nobel và là một nhà kinh doanh có tài bẩm sinh, Chu đã kêu gọi được một lượng vốn lớn từ các quỹ kích thích kinh tế về cơ quan của mình nhằm phát triển năng lượng bền vững cho nước Mỹ trong tương lai. Tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ tại Mỹ hiện nay chỉ là 4%. Ông hy vọng sẽ đưa con số này tăng gấp đôi vào năm 2012.
Ông cũng đang nỗ lực vận động để công nghệ thu giữ carbon sản xuất than sạch có thể được sử dụng trong năm 2020. Đồng thời, dưới sự giám sát và bảo lãnh của ông, cơ quan ông có thể vay 8 tỉ USD và hoàn trả trong vòng 30 năm để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới. Bên cạnh đó, với việc ngân sách cho năm 2011 đã được thông qua, hiện nay, Bộ Năng lượng có khả năng hỗ trợ việc xây dựng từ 6-9 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp năng lượng sạch cho hơn 6 triệu hộ gia đình tại Mỹ.
8. Andy Rubin



Andy Rubin, Kỹ sư – Phó Tổng Giám đốc Google, là cha đẻ của hệ điều hành mã nguồn mở Android dùng cho các thiết bị điện tử như điện thoại di động, hộp giải mã truyền hình hay hệ thống định vị trong ôtô.
Đặc biệt, hệ điều hành Android dành cho doanh nghiệp cũng sẽ được ra mắt trong năm nay. Theo Rubin, “phần cứng thì đều giống nhau cả. Khác biệt chính là phần mềm có khả năng nâng cao tính năng sản phẩm và cho phép người dùng tận hưởng những tính năng chỉ dành cho doanh nghiệp bằng chiếc điện thoại di động của mình ngay tại công sở”.
Theo Fortune, Nhịp cầu đầu tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.