16/4/11

Leica dòng máy ảnh xa xỉ bậc nhất trên thế giới

Trong các loại đá quý, kim cương xếp đầu bảng vì xa xỉ và chất lượng “vô đối”, máy ảnh và ống kính Leica của Đức cũng có vị trí tương tự trong làng máy ảnh thế giới.

Có lẽ, khi Jones Griffiths đúc kết cuộc đời cầm máy của mình, ông đang tưởng tượng, các nhiếp ảnh gia trên thế giới đều dùng máy ảnh Leica, dòng máy ảnh một thời duy nhất được phép mang vào phòng hòa nhạc ở châu Âu và cũng là dòng máy ảnh xa xỉ bậc nhất trên thế giới.

Lịch sử danh giá

Từ khi xuất hiện vào những năm 1930 đến nay, máy ảnh và ống kính Leica luôn có mức giá cao ngất ngưởng. Nếu như, ống kính cố định 50mm F1.2 Luxury của Canon có giá 1.500 USD đã làm cụt hứng nhiều dân chơi máy ảnh thì mức 9.000 USD khiến cho loại ống tương đương của Leica chắc chắn nằm ngoài sự suy tưởng của hầu hết các “phó nháy”. Về thân máy, giá của một chiếc Leica kiểu du lịch “bé tí hin” cũng đã là 800 USD còn “hạng tầm tầm” thì chưa bao giờ có giá dưới bốn con số, tính theo USD.

Như một viên kim cương.

Nữ hoàng Anh, Elizabette II, quốc vương Thái Lan là những cái tên hay được nhắc tới khi người đời nói về máy ảnh Leica. Tuy nhiên, danh tiếng thực sự của dòng máy ảnh này đến từ các phóng viên ảnh kỳ cựu như Robert Capa, Henri Cartier-Bresson, Nick Út…

Tác giả của câu nói bất hủ trong giới phóng viên chiến tranh, “không đối mặt với nguy hiểm, không có ảnh đẹp”, người đã chết khi vẫn cầm trên tay chiếc máy ảnh, Robert Capa đã có bức ảnh để đời ghi lại khoảnh khắc hy sinh của một người du kích cộng sản trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng máy Leica.

Năm 1968, khi sinh viên và công nhân Paris nổi loạn vì bất bình trước tình trạng nghèo đói tràn lan, Cartier-Bresson đã cầm trên tay chiếc máy ảnh Leica đi khắp đường phố Paris, chụp lại những khoảnh khắc khiến “nước Pháp cũ kỹ” thay đổi.

Ở Việt Nam, Nick Út (Huỳnh Công Út), phóng viên ảnh của hãng AP cũng đã dùng máy ảnh Leica chụp “em bé bị napalm”, Phan Thị Kim Phúc, trong một trận ném bom tại Tràng Bảng, Tây Ninh. Bức ảnh lột tả chân thực sự khốc liệt của cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam sau đó được ĐH Columbia bình chọn là một trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Thật là “một hồ sơ đáng nể” cho một thương hiệu máy ảnh.
em bé bị napalm
Trung thành với quy trình cổ điển

Nếu gạt bỏ sức nặng từ giá trị lịch sử trong “lý lịch” để lên sàn đấu tay bo với các hãng máy ảnh khác, Leica vẫn là một đối thủ đáng gờm.

Hình ảnh chụp bằng Leica luôn được giới nhiếp ảnh đánh giá cao về màu sắc, độ nét. một fan của máy Leica nhận xét: “Khi chụp ảnh vào mờ sáng hoặc cuối buổi chiều, vùng tối của ảnh đều lên hình rõ rệt. Về độ nét thì miễn chê, chụp ruồi bằng máy Leica, người ta có thể thấy rõ được râu của nó”.

 “Buồng phim của máy được đặt sát với thấu kính cuối cùng của đuôi ống kính. Chính điều này giúp ảnh chụp bằng Leica nét hơn máy ảnh của các hãng khác”. Đây là đặc trưng trong thiết kế mà Leica duy trì từ những năm 1940.

Thế nhưng, “ống kính mới là nơi chứa đựng tất cả sự bảo thủ của người Đức”,mới là bộ phận huyền thoại nhất trong cỗ máy của Leica. Trong khi các hãng quang học khác chạy đua sản xuất thật nhanh, thật nhiều thì Leica chấp hành rất nghiêm ngặt những nguyên tắc chế tạo để đảm bảo độ trong và khả năng thu nhận ánh sáng. Mỗi ống kính trước khi đem đi mài đều phải nằm tại phòng hạ nhiệt trong khoảng thời gian từ vài năm tới vài chục năm.

Trong thời gian đó, nhiệt độ phòng chỉ được giảm xuống vài độ mỗi năm. Sau quá trình hạ nhiệt, ống kính được đem mài thủ công bằng các máy móc hoàn toàn cơ khí. Cuối cùng, mặt ống kính Leica được phủ lên một lớp màu đặc biệt có công thức hóa học tuyệt mật mà nhà sản xuất nắm giữ. Đây là một quy trình mà không phải hãng quang học nào cũng đủ sức chạy đua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.