6/8/10

Người “quét dọn” trứ danh của Phố Wall

Larry Fink là người sáng giá nhất được Chính phủ Mỹ tin tưởng lựa chọn để “dọn dẹp” bãi chiến trường do khủng hoảng tài chính để lại.
Larry Fink là người sáng giá nhất được Chính phủ Mỹ tin tưởng lựa chọn để “dọn dẹp” bãi chiến trường do khủng hoảng tài chính để lại.
Cách đây gần 2 năm, không mấy ai biết đến Larry Fink. Nhưng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, Larry Fink trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại Phố Wall. Tập đoàn BlackRock do ông sáng lập đang kiểm soát và quản lý hơn 12.000 tỉ USD tài sản trên khắp thế giới.
Ngay lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, khi hệ thống tài chính Mỹ đang muốn vỡ vụn thì những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Phố Wall cũng phải nhờ cậy Fink. Jamie Dimon của Tập đoàn tài chính ngân hàng JPMorgan Chase, John Mack của Ngân hàng Morgan Stanley và Robert Willumstad của Tập đoàn tài chính bảo hiểm AIG cũng đã phải nhờ đến Fink tư vấn và hỗ trợ tài chính trong các vụ bán lại Tập đoàn tài chính Bear Stearns cho JPMorgan với giá 30 tỉ USD, hay gói cứu nguy AIG 180 tỉ USD, vụ cứu Ngân hàng Citigroup 45 tỉ USD hay bơm 112 tỉ USD cho Quỹ Thế chấp Nhà ở Liên bang Fannie Mae và Công ty Thế chấp cho vay mua nhà Freddie Mac.

Cú ngã ngựa tại First Boston
Lớn lên tại Van Nuys, California, Fink theo học Đại học UCLA chuyên ngành khoa học chính trị. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục học tài chính bất động sản tại Trường Kinh doanh của UCLA. Năm 1976, ông bắt đầu đặt chân đến Phố Wall. Khi đó, Fink mới 23 tuổi. Ông làm việc tại bộ phận giao dịch trái phiếu của Ngân hàng First Boston, một lĩnh vực khá mờ nhạt lúc đó.
Trong vòng 3 năm, ông đã được chọn đảm trách một bộ phận kinh doanh chưa ai biết đến, đó là giao dịch chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Cùng với Lewis Ranieri của Ngân hàng đầu tư Salomon Brothers, ông đã phát triển thị trường chứng khoán hóa giấy tờ nợ (thị trường mua bán các gói trái phiếu có gốc bất động sản, các khoản cho vay thẻ tín dụng, cho vay ôtô) trị giá hàng ngàn tỉ USD. Chính thị trường này đã làm thay đổi diện mạo của ngành tài chính lúc đó (mặc dù là nguyên nhân đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng đây được xem là một phát minh phi thường trong lĩnh vực tài chính).
Trong thời gian làm tại bộ phận chứng khoán hóa giấy tờ nợ của First Boston, Fink đã ký được những hợp đồng lớn, trong đó có vụ chứng khoán hóa các khoản vay ôtô của hãng GMAC trị giá 4,6 tỉ USD vào năm 1986. Những thương vụ đình đám này đã đem đến cho ông sự giàu có và địa vị. Fink trở thành vị giám đốc điều hành trẻ nhất trong lịch sử First Boston ở tuổi 31 và là thành viên trẻ nhất của Ban Giám đốc.
“Fink luôn muốn nhiều thứ hơn là ông hiện có, luôn săn tìm cơ hội. Bạn có thể thấy tham vọng ấy luôn hiện diện ở Fink”, một đối tác cũ của ông tại First Boston nhận định.
Tham vọng càng lớn, kỳ vọng càng cao nên khi vấp phải thất bại, nỗi đau của Fink cũng chua chát hơn bất cứ ai. Đó là khi bộ phận của ông thua lỗ 100 triệu USD trong quý II năm 1986. Các nhân viên giao dịch của Fink, nghe theo lời ông, đã đặt cược rằng lãi suất sẽ tăng, nhưng khi lãi suất đột ngột giảm, bộ phận này đã bị thua lỗ nặng nề. Dường như chỉ qua một đêm, ông đã đi từ “một ngôi sao trở thành một gã ngốc”. Fink đã quyết định rời khỏi First Boston vào năm 1988.
“Điều đó thật đau đớn. Các mối quan hệ đã bị thay đổi 180 độ. Trong suốt 2 năm trước khi rời khỏi First Boston, tôi đã bắt đầu mất đi sự tự tin của mình”, ông cho biết. Thậm chí bây giờ, sau 22 năm, ông vẫn còn cảm thấy khó thở khi nhớ lại quãng thời gian đó. Cú ngã ngựa tại First Boston đã khiến cho Fink thề rằng sẽ chẳng bao giờ tham gia thị trường khi chưa hiểu rõ tất cả các rủi ro liên quan.
Hồi sinh cùng BlackRock
Vào năm 1988, cùng với nhiều đối tác, Fink đã thành lập BlackStone Financial Management, một công ty trực thuộc hãng đầu tư BlackStone Group. Đến năm 1993, Công ty của Fink đã quản lý một lượng tài sản lên tới hơn 20 tỉ USD. Năm sau đó, Fink tách BlackStone Financial Management khỏi BlackStone và đưa nó trở thành một công ty quản lý tài sản độc lập với tên gọi là BlackRock.
Sau khi tách khỏi BlackStone, BlackRock đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Đến năm 1999, Hãng đã quản lý lượng tài sản lên tới 165 tỉ USD. Cũng trong năm đó, BlackRock đã lên sàn. Hãng ngày càng bành trướng quy mô qua hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập như mua lại công ty quản lý đầu tư State Street Research & Management Co. với giá 375 triệu USD vào năm 2004, sáp nhập với Merrill Lynch Investment Managers, chuyên về đầu tư, tài chính, bảo hiểm vào năm 2006. Đặc biệt, tháng 12.2009, BlackRock đã mua lại Barclays Global Investors, bộ phận quản lý tài sản toàn cầu của Ngân hàng Barclays, trị giá 13,5 tỉ USD. Với thương vụ này, BlackRock đã trở thành nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều khiến BlackRock trở nên nổi trội không phải là lượng tài sản quản lý mà là hệ thống máy tính có tên gọi là Aladdin trị giá hàng tỉ USD. Gồm 5.000 máy tính chạy suốt 24/24, hệ thống này có thể quản lý, theo dõi hàng triệu giao dịch mỗi ngày, phân tích và kiểm soát từng sản phẩm chứng khoán trong danh mục đầu tư của khách hàng.
Được thành lập vào năm 2000, bộ phận BlackRock Solutions hiện có khoảng 140 khách hàng và vị khách hàng đặc biệt nhất là Chính phủ Mỹ. Với hệ thống Aladdin, BlackRock Solutions có thể đưa ra bản đánh giá danh mục đầu tư của khách hàng chỉ trong 1 ngày như Hãng từng làm đối với danh mục 30 tỉ USD của Ngân hàng Bear Stearns vào tháng 3.2008, hay theo dõi và đưa ra báo cáo đánh giá rủi ro mỗi ngày đối với 1.200 tỉ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp của Cục Dự trữ Liên bang tại New York (New York FED).
Fink đã bắt đầu nhảy vào lĩnh vực tư vấn vào cuối thập niên 1980. Lúc đó, ngành tiết kiệm và cho vay Mỹ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do bành trướng quá nhanh và vì những khoản đầu tư tệ hại. Một trong những khách hàng lúc đó của Fink là Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), đã nhờ ông quản lý các tài sản tiết kiệm và cho vay mà Chính phủ tiếp quản.
Tuy nhiên, vụ giao dịch đưa ông trở lại thế giới tài chính là vào năm 1994. Khi đó, Kidder Peabody đã sụp đổ và General Electric, vốn sở hữu ngân hàng đầu tư này, đã nhờ Fink giải quyết danh mục 7 tỉ USD chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp của Kidder.
BlackRock và Fink đã thực sự tỏa sáng vào mùa thu năm 2007, thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dưới sức ép từ những món nợ thế chấp dưới chuẩn, hội đồng quản trị của Citigroup và Merrill Lynch đã phải sa thải các giám đốc điều hành của họ là Charles Prince và Stanley O’Neal. Cả hai công ty này đã nhờ Fink giúp quản lý các danh mục đầu tư gặp rắc rối của mình.
Khi cuộc khủng hoảng lan rộng và bắt đầu làm suy chuyển cả Bear Stearns, Fink càng trở thành nhân vật quan trọng. Jamie Dimon, CEO của JPMorgan cũng phải nhờ Fink tư vấn và đánh giá tài sản của Bear Stearns để chuẩn bị cho việc thâu tóm ngân hàng này chỉ trong vòng 48 giờ (tháng 3.2008). Và khi Dimon cho biết chỉ mua lại Bear Stearns nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ thì Timothy Geithner, lúc đó là Chủ tịch New York FED, đã đồng ý đứng ra tiếp quản 30 tỉ USD tài sản xấu của ngân hàng này. Một lần nữa, Geithner lại nhờ Fink quản lý số tài sản của Bear Stearns.
Tiếp đó, tháng 6.2008, CEO mới của Tập đoàn bảo hiểm AIG (Mỹ) là Robert Willumstad, đã thuê BlackRock quản lý 77 tỉ USD danh mục đầu tư hợp đồng hoán đổi rủi ro nợ tín dụng. 10 tuần tiếp theo kể từ khi Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ (tháng 9.2008), Fink bận rộn làm việc với các quan chức chính phủ như Geithner, Henry Paulson mỗi ngày, để tư vấn về việc tái cấu trúc nợ và vực dậy hệ thống tài chính.
Thời gian đó, AIG được New York FED bảo lãnh khỏi phá sản và BlackRock một lần nữa được mời đánh giá và tư vấn cho Chính phủ giải quyết số tài sản xấu 100 tỉ USD của AIG. Tháng 12.2008, BlackRock lại nhận thêm một hợp đồng khác của New York FED. Lần này là định giá tài sản 301 tỉ USD trị giá các khoản cho vay và chứng khoán của Citigroup, đa phần đã được Chính phủ Mỹ đứng ra bảo đảm.
Sân sau của Chính phủ?
Tuy nhiên, việc BlackRock được giao cho nhiều hợp đồng quan trọng mà không phải qua đấu thầu đã đặt dấu hỏi về những mảng tối trong Chính phủ Mỹ và mối quan hệ của Fink, trong đó có cả mối quan hệ với các quan chức chính phủ cấp cao, đặc biệt là Paulson và Geithner.
Khi trả lời chất vấn, Geithner cũng như các quan chức khác cho biết là không có thời gian để đấu thầu công khai và BlackRock được chọn nhằm “đảm bảo lợi ích cao nhất của người đóng thuế Mỹ”.
Thực vậy, dù có khó chịu trước sự ưu ái của Chính phủ đối với BlackRock, nhưng ai cũng phải thừa nhận BlackRock là sự lựa chọn tốt nhất để giải quyết rắc rối của Chính phủ. Một số ngân hàng tại Phố Wall, đặc biệt là Goldman Sachs, hoàn toàn có khả năng thực hiện các công việc này. Nhưng như Ken Wilson, cựu lãnh đạo tại Goldman, cho biết, New York FED cũng như Bộ Tài chính khó mà giao nhiều hợp đồng cho các tổ chức nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ hoặc các doanh nghiệp có nhiều cựu quan chức của Bộ Tài chính đang làm việc tại đó.
Mối quan hệ là yếu tố quan trọng giúp Fink được chọn, nhưng đó không phải là điều cốt yếu. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, thủ phạm gây ra khủng hoảng lại đủ mọi thành phần nhưng chỉ có một số ít là có khả năng dọn dẹp bãi chiến trường. Và Fink là người sáng giá nhất.
Tuy vậy, Fink cũng từng mắc một số sai lầm lớn. Điển hình là dự án Stuyvesant Town – Peter Cooper Village, khu phức hợp căn hộ lớn nhất tại Manhattan (New York) gồm 110 tòa nhà, đã vỡ nợ vào đầu tháng 1 vừa qua. Khi nhắc đến thương vụ tồi tệ này, Fink luôn cảm thấy bứt rứt. “Khi quản lý tiền, bạn có thể mắc phải sai lầm. Bạn không thể chính xác 100%. Công việc của chúng tôi là hạn chế tối đa những sai lầm có thể. Chúng tôi không hoàn hảo… Tôi không viện cớ này nọ. Tôi đã mất ngủ vì những vấn đề đó”.
Theo Vanity Fair, Nhịp Cầu Đầu Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.