6/8/10

Luật cải cách tài chính không thể ngăn chặn được khủng hoảng trong tương lai

Giới chuyên gia và học giả đều đồng thuận rằng khủng hoảng bắt nguồn từ động cơ làm việc sai lầm của khu vực tài chính.
Chính quyền Obama khẳng định dự luật cải tổ phố Wall đã ký ban hành đủ khả năng để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương tự xảy ra trong tương lai.
Nhưng trên thực tế, điều đó là bất khả thi, bởi những động cơ sai lầm nói trên không được giải quyết một cách có hiệu quả trong bộ luật. Ngược lại, nó còn làm tăng khả năng xảy ra gian lận kế toán, khiến những động cơ này gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Qua thời gian, các cuộc khủng hoảng càng về sau càng nghiêm trọng hơn, bởi rất nhiều chính sách cải cách đã vô tình khuyến khích cám dỗ nảy sinh.

Chính sách lương thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra động cơ, trong khi đó sự tiết giảm luật lệ, nới lỏng quản lý cùng với nhiều “lỗ hổng” trong hoạt động điều phối tạo ra cơ hội cho tiêu cực xuất hiện.
Kế toán được coi như “vũ khí tùy chọn” của các CEO, nó là cách thức để chuyển những động lực xấu thành cái mà các nhà quản lý, các nhà kinh tế học và tội phạm học gọi là ”điều hiển nhiên” trong khủng hoảng.
Như thế, công thức kinh điển để dẫn đến thảm họa đã được hình thành từ: động cơ, cách thức và cơ hội.
Dự luật cải cách không hề động chạm đến bản chất phức tạp của chế độ lương thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay, bất chấp số liệu đã cho thấy đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cuộc Đại suy thoái.
Theo một nghiên cứu độc lập của James F. Reda & Cộng sự, từ sau khi khủng hoảng tài chính xảy ra, số phần trăm tiền thưởng cho ban giám đốc tính trên lợi nhuận ngắn hạn của doanh nghiệp ngày càng tăng lên.
Và như thế, hệ thống kế toán đương nhiên trở thành công cụ hữu dụng nhất để “tạo ra” mức lợi nhuận ngắn hạn “đẹp“ như mong muốn của các CFO hay CEO.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sinh viên thường gian lận trong thi cử và từ chối tố cáo hành vi tương tự của bạn học khác.
Vậy tại sao các nhà kinh tế học không hiểu rằng họ sẽ tiếp tục làm như vậy khi được đặt trên cương vị một phó giám đốc hay một CEO? Có thể nói họ đã thành công nhờ gian lận.
Andrew Fastow, người từng giữ chức giám đốc tài chính (CFO) của Enron, đã được Tạp chí CFO vinh danh là “CFO của năm” bởi ông ta đã tiếp tay cho Lay và Skilling thụt két Enron vào thời điểm khó khăn bằng những mánh khóe lừa đảo trong kế toán.
George Akerlof và Paul Romer đã nói lên tất cả trong tiêu đề bài báo kinh điển của họ năm 1993: “Looting: Bankruptcy for Profit.” – nghĩa nôm na là hành động “ăn hôi” khi doanh nghiệp phá sản, biến nó thành lợi nhuận cho riêng mình.
Quy tắc Basel II về vốn của ngân hàng quốc tế khuyến khích những “ông lớn” ngân hàng sử dụng mô hình của riêng mình để định giá tài sản của chính họ.
Và những vị giám đốc sẽ được thưởng nhiều hơn nếu những mô hình đó “sản xuất” ra được một giá trị tài sản lớn hơn. Giới chuyên nghiệp gọi mánh khóe dạng này là “dấu hiệu thần thoại” hay “tín dụng của chú Cuội.”
Dự luật sẽ không thể loại bỏ được những động cơ xấu như thế, và do đó nó sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ chính của mình.
Dự luật cũng không chỉ ra được vai trò của bộ phận kế toán như là một công cụ hữu hiệu tiếp tay cho các lãnh đạo doanh nghiệp khai thác hòng tư lợi cho mình.
Khối ngành tài chính đã sử dụng sức mạnh “vận động hành lang” để thuyết phục Quốc hội buộc FASB (Ủy ban tiêu chuẩn kế toán – tài chính Mỹ) phải thay đổi các nguyên tắc kế toán nhằm che giấu những khoản lỗ từ cho vay thế chấp.
Đây là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng S&L (khủng hoảng “tiết kiệm và cho vay” xảy ra ở Mỹ vào thập kỷ 80-90) và chiến lược che giấu đã từng được Nhật Bản áp dụng. Nó sẽ dẫn tới một thảm họa như khủng hoảng S&L hoặc như “thập kỷ mất mát” ở Nhật.
Một khi tính trung thực trong định giá tài sản bị đánh mất, thị trường sẽ trở nên thiếu minh bạch, và sự phục hồi kinh tế vẫn là thứ gì đó mong manh dễ vỡ. Vì thế, những mánh khóe che đậy cần phải được chấm dứt ngay lập tức.
Nhưng ngược lại, dự luật cải cách cho phép lạm dụng công cụ kế toán hơn nữa, qua đó khuyến khích thêm hiện tượng gian dối.
Những người đề xuất dự luật nhấn mạnh rằng quyền quyết định số phận các “ông lớn” (resolution authority) là điểm tiến bộ cốt lõi của bộ luật này. Tuy nhiên, đó chỉ là lập luận giả mạo.
Lỗ hổng trong vấn đề này đã được giải quyết 18 tháng trước, khi các ngân hàng đầu tư phải chịu sự quản lý như ngân hàng thương mại.
Hai tổng thống George W. Bush và Barack Obama đã được trao đầy đủ quyền lực để đóng cửa những nhà băng mất khả năng thanh toán, cùng với đó là quy định nghĩa vụ buộc tổng thống phải thực hiện quyền này.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn thiếu đi sự nhiệt tình, động lực chính trị và sự liêm khiết để có thể thực sự cưỡng ép đóng cửa những ngân hàng vỡ nợ.
Họ lẩn tránh sự ủy thác của “Đạo luật hành động trừng phạt tức thời” bằng cách khuyến khích các ngân hàng lớn không thừa nhận những khoản thua lỗ khổng lồ bắt nguồn từ nợ xấu và CDO.
Theo Fortune, CafeF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.