6/8/10

Đã đến lúc kiểm tra “sức khỏe” của các Ngân hàng Trung ương

Năm vừa qua, NHTW Thụy Sỹ lỗ 20 tỷ Franc do mua vào đồng euro. Nếu đồng NDT tăng 20%, số lỗ của NHTW Trung Quốc tương đương 10% GDP nước này.
Dù còn nhiều chi tiết đáng phải tranh luận thêm nhưng không thể bác bỏ được phương pháp luận cơ bản của các đợt kiểm tra ngân hàng thương mại ở Mỹ và Châu Âu.
Sóng còn yên, biển còn lặng, ngân hàng thương mại còn làm ăn có lãi. Nhưng trong các tình huống khẩn cấp, họ cũng cần thêm vốn.
Số vốn cần bổ sung phụ thuộc vào tài sản của từng ngân hàng và xác suất xảy ra các biến động của thị trường và nền kinh tế.
Phương pháp luận này nay cần được áp dụng cho các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Dù gợi ý này là thuần lý thuyết, vì không một tổ chức đa quốc gia nào như IMF, WB hay Ngân hàng Thanh toán quốc tế có cái quyền ấy, nhưng nó cũng sẽ hé lộ những điểm yếu chết người trong hệ thống tài chính toàn cầu và có khả năng giúp khắc phục những điểm yếu ấy.
Dù cách quản lý của NHTW vẫn hoàn toàn là vấn đề nội bộ của từng nước, việc tạo ra rủi ro và giảm nhẹ rủi ro của ngân hàng ở cả hai khu vực công và tư đang ngày càng giống nhau một cách kỳ lạ.
NHTW không thể “phá sản” nhưng có thể thua lỗ. Trong trường hợp xấu nhất, sẽ cần bổ sung hàng trăm tỷ đôla từ tiền của người nộp thuế để phục hồi sự tín nhiệm.
Bình thường thì nhìn chung các NHTW đều có lãi mà chủ yếu là nhờ thu nhập từ việc in tiền, tức chênh lệch lợi suất giữa đồng tiền trong lưu thông và lợi nhuận thu về từ các chứng khoán có thu nhập cố định mà mọi NHTW nắm giữ.
Nhưng thu nhập này dã giảm mạnh do lãi suất danh nghĩa của trái phiếu chính phủ giảm.
Trong khi đó, việc kín đáo dồn rủi ro của nền kinh tế lên bảng cân đối kế toán của NHTW qua các chính sách như “nới lỏng định lượng” hay can thiệp vào tỷ giá hối đoái đã tạo ra những rủi ro chưa từng có mà phần lớn là không được tự bảo hiểm.
Những rủi ro ấy tích tụ lại và nay đã có liên quan tới 20% GDP toàn cầu. Rủi ro tiền tệ, tín dụng và/hoặc tỷ giá của NHTW lớn đến nỗi biến động thị trường có thể tạo ra thua lỗ khủng khiếp.
Ví dụ như các NHTW ở Châu Á, với tổng số 5.000 tỷ đôla tài sản nước ngoài. Số tài sản này thường được nhìn nhận một cách sai lầm là dấu hiệu của sức mạnh.
Phần lớn chúng được định giá bằng đồng tiền của nước phát hành nên nếu đồng đôla hay euro suy yếu trong thời gian dài sẽ tạo ra thua lỗ định giá theo giá trị thị trường chưa từng có.
Đồng NDT tăng giá 20% so với các tài sản do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sở hữu sẽ khiến Trung Quốc thua lỗ 10% GDP. Đồng đôla Singapore hay Đài Loan nếu tăng như vậy thì thua lỗ sẽ là gấp đôi (tính trên GDP của hai nước này).
Thua lỗ sẽ còn lớn hơn đối với các định chế neo tỷ giá vào đồng đôla như Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong.
Rủi ro tiền tệ không chỉ là nỗi lo của các NHTW Châu Á.
Trong vòng 14 tháng qua. NHTW Thụy Sỹ đã chi hơn 150 tỷ Franc Thụy Sỹ (SFr), tương đương 30% GDP nước này, để mua vào đồng euro với mục đích ngăn không cho đồng SFr tăng gía.
Thua lỗ định giá theo giá trị thị trường ước tính gần đây đã vượt 20 tỷ SFr, tức 3.000 SFr đối với mỗi công dân Thụy Sỹ. SFr tăng giá thêm 10% nữa so với euro sẽ khiến thua lỗ tăng lên thêm 3% GDP nước này.
Nếu không phải về mặt tài chính thì về mặt chính trị cũng không thể chấp nhận nổi số thua lỗ ấy.
NHTW Châu Âu, FED và NHTW Anh có lợi thế định giá phần lớn tài sản có và tài sản nợ của mình bằng cùng một đồng tiền.
Tuy tổng giá trị bảng cân đối kế toán của họ bằng 20% GDP của cả ba nước/khu vực công lại nhưng rủi ro tín dụng và lãi suất cũng không ít hơn rủi ro tỷ giá mà các đồng nghiệp Thụy Sỹ và Châu Á đang đối mặt.
Ước tính Hệ thống NHTW Châu Âu (ESCB) sở hữu khoảng 40% trái phiếu chưa đáo hạn của Hy Lạp và 20% trái phiếu chưa đáo hạn của Tây Ban Nha. Tái cơ cấu nợ công của Hy Lạp và Tây Ban Nha sẽ khiến ESCB thua lỗ hàng tỷ đôla.
Trong trường hợp của FED, với hơn 1.000 tỷ đôla giá trị các khoản vay thế chấp mua nhà tại Mỹ trong tay, lãi suất của Mỹ cứ tăng 1% cơ quan này lại thua lỗ 50 tỷ đôla. Con số ấy còn lớn hơn toàn bộ lợi nhuận FED nộp cho Bộ Tài chính năm ngoái.
Trong một thế giới mà chuyện gì cũng có thể xảy ra và xảy ra nhanh đến chóng mặt, cần phải xem xét nghiêm túc khả năng NHTW chịu quá nhiều rủi ro và làm xói mòn lòng tin đối với chính quyền.
NHTW có những lợi thế riêng. Họ đề ra tiêu chuẩn kế toán cho chính mình, hoạt động cần ít vốn chủ sở hữu và không cần báo cáo chi tiết các hoạt động tài chính.
Tuy vậy, hàng thập kỷ nay họ đã và đang “xã hội hóa rủi ro”, đặc biệt là sau khi Lehman sụp đổ. Các biến động lãi suất và tỷ giá nhất định kết hợp với việc vỡ nợ có mức độ trái phiếu chính phủ có thể khiến những lợi thế này trở thành vô nghĩa.
Sự độc lập và tín nhiệm của NHTW không thể cứ mãi duy trì nếu thua lỗ cứ kéo dài.
Công chúng có quyền được biết các NHTW khiến họ phải đối mặt với rủi ro lớn chừng nào.
Công khai minh bạch là liều thuốc tốt nhất cho các ngân hàng, bất kể công hay tư.
Theo Economist, CafeF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.