15/8/10

5 biện pháp vực dậy kinh tế Mỹ

Sau khi đã chi tiêu đến hàng trăm tỷ USD mà kinh tế Mỹ vẫn chỉ hồi phục chậm, đã đến lúc chính phủ Mỹ cần xem xét lại chính sách của mình.
Bất chấp gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD Quốc hội Mỹ đã thông qua vào năm 2009 sau thời kỳ khủng hoảng tài chính, kinh tế Mỹ vẫn phục hồi hết sức chậm chạp.
Khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9,5%, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng sẽ vẫn ở mức thấp trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Thực tế này khiến người ta nói nhiều hơn đến khả năng chính phủ sẽ phải công bố chương trình chi tiêu mới.
Thế nhưng chính phủ Mỹ nên chi tiêu như thế nào và thực sự liệu có nên tiêu thêm tiền hay không? Có 5 hướng chính sách mà chính phủ Mỹ cân nhắc:

Kích thích tiêu dùng: Nới lỏng luật bảo hộ phá sản
Ngay cả nếu chính quyền Tổng thống Obama muốn kích thích kinh tế thông qua giảm thuế hay hỗ trợ tài chính cho phần lớn các hộ gia đình, chính sách đó cũng không có nhiều tác dụng trong việc thúc đẩy loại chi tiêu có thể giúp các công ty tuyển dụng và đầu tư nhiều hơn.
Những năm trước khủng hoảng tài chính, chính phủ Mỹ đã chi tiêu quá tay, và hậu quả nước Mỹ đang ở trong “mớ bong bong” hiện nay. Nhiều hộ gia đình đang nợ nần sẽ ngay lập tức dùng số tiền có được để trả nợ hay tiết kiệm thay cho việc mua tivi màn hình phẳng hay quần áo mới.
Để giúp kích thích chi tiêu, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ cần tạo điều kiện cho người dân nộp hồ sơ xin phá sản dễ dàng hơn và vì thế họ sẽ khởi đầu tốt mà họ cần.
Năm 2005, Quốc hội Mỹ cải tổ luật phá sản, người dân gặp nhiều khó khăn trong rũ bỏ các khoản nợ. Ngay cả khi quy định trở nên khắt khe hơn, 1,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin phá sản trong năm 2009, cao hơn 30% so với năm 2008.
Tuy nhiên chính sách trên cũng bộc lộ nhược điểm. Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản khiến người đó khó vay tiền hoặc vay với lãi suất cao hơn trong tương lai. Các ngân hàng, hiện đã vốn hạn chế tín dụng, sẽ tiếp tục trở nên khắt khe hơn.
Tạo việc làm: Hạ giá đồng USD Mỹ
Hiện tồn tại một vòng luẩn quẩn trong nội tại kinh tế Mỹ. Các công ty không thể tuyển dụng thêm lao động khi nhu cầu đối với hàng hóa họ sản xuất ra không được tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng sẽ hạn chế chi tiêu khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.
Vậy làm cách nào để tạo ra thêm việc làm: Nhiều chuyên gia kinh tế nói đến hướng hạ giá đồng USD. Đồng USD sẽ là tin tốt đối với công ty Mỹ có nhiều hoạt động tại nước ngoài như Boeing. Họ sẽ bán được máy bay giá thấp hơn cho người nước ngoài. Doanh số bán hàng tại nước ngoài tăng cuối cùng có thể khiến các công ty tuyển dụng và đầu tư nhiều hơn vào Mỹ.
Chúng ta đều đã nhìn thấy lợi ích của đồng USD yếu vào đầu năm 2007 khi đó các công ty sản xuất Mỹ hưởng lợi khi xuất khẩu tăng nhờ đồng USD hạ giá. Dù từ đó đến nay, đồng USD đã mạnh hơn do khủng hoảng nợ châu Âu, nhìn chung vài năm qua đồng USD vẫn trong xu thế đi xuống.
Vậy đồng USD có nên hạ giá hơn? Bất kỳ chính sách nào có thể khiến đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn sẽ hiện thực tốt mục tiêu. Ngoài ra, có thể đánh thuế cao đối với đầu tư từ nước ngoài vào Mỹ.
Ý tưởng trên cũng có nhiều hạn chế. Đồng USD yếu, người Mỹ có thói quen tiêu thụ hàng nhập khẩu hẳn không mấy vui vẻ. Khi người Mỹ đi nghỉ ở nước ngoài, họ sẽ thấy chi tiêu tốn kém hơn. Và nhìn chung, sức mạnh của đồng USD đóng vai trò chỉ báo về “sức khỏe” của kinh tế Mỹ. Trên phương diện này, đồng USD yếu không mang tính tích cực.
Cứu thị trường nhà đất Mỹ: Bỏ qua những khoản thế chấp xấu
Năm 2008, Quốc hội Mỹ chấp thuận gói 700 tỷ USD để cứu các ngân hàng chịu khó khăn với nợ xấu. Khi ngày một nhiều người nợ nhiều hơn giá trị căn nhà mà họ đang sở hữu, đã đến lúc giải cứu thị trường nhà đất Mỹ.
Mới chỉ tuần trước, thị trường đồn đoán rằng chính quyền Tổng thống Obama sẽ buộc 2 công ty cho vay thế chấp bất động sản lớn Fannie Mae và Freddie Mac bỏ qua khoản nợ của một số thế chấp xấu. Khoảng 15 triệu khoản vay thế chấp tại Mỹ thuộc loại này, người chủ đã nợ quá giá trị căn nhà của họ.
Bộ Tài chính Mỹ đã nhanh chóng dập tắt mọi lời đồn đoán. Tuy nhiên cũng nên chú ý cân nhắc đến ý tưởng trên bởi các nhà hoạch định chính sách đang băn khoăn nên làm gì với nhóm công ty mà chính phủ đã tiếp quản trong năm 2008. Chắc chắn, chính quyền Tổng thống Obama đã chơi một canh bạc lớn nếu thực hiện giải cứu. Thế nhưng chính sách nếu được thực thi sẽ giúp cho tình trạng bình ổn tài chính trở lại.
Xem lại gói giải cứu: Chi tiêu và vay tiền ít hơn
Đôi khi gói kích cầu tốt nhất lại là không chi tiêu gì hết. Ý tưởng này đến từ tổng biên tập Shawn Tully của Fortune, người cho rằng không nên đưa ra gói kích cầu nào hết. Cách tốt nhất để đưa kinh tế Mỹ phục hồi ổn định là chính phủ Mỹ nên chi tiêu và vay tiền ít hơn.
Ông lấy bài học tại nước Anh dưới thời cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người chỉ trích mạnh mẽ việc thâm hụt ngân sách và chi tiêu mạnh tay trong bối cảnh thất nghiệp tăng cao thập niên 1980.
Chi tiêu ít hơn có lợi cho kinh tế theo nhiều cách: lãi suất thấp sẽ thể giúp kích thích đầu tư cũng như giảm thuế sẽ giúp người Mỹ có thể tiết kiệm thêm tiền.
Gói kích cầu với trọng tâm vào đầu tư
Ông Jeffrey Sachs, giám đốc viện nghiên cứu Earth Institute tại đại học Columbia, đưa ra quan điểm này.
Ông Sachs cho rằng bất chấp mọi cuộc tranh luận liên quan đến thắt chặt chi tiêu và kích cầu, người ta chưa chú ý đủ đến kích thích đầu tư vốn đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của kinh tế Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ đang ngập trong nợ nần sẽ không thể giúp kinh tế phục hồi.
Ông Sachs nhận xét: “Người Trung Quốc tiết kiệm và đầu tư, người Mỹ nói, tiêu dùng, vay và nói nhiều hơn.”
Nếu có gói kích thích kinh tế thứ 2, các nhà hoạch định chính sách có thể tìm đến kế hoạch phục hồi kinh tế bao gồm 5 phần với nội dung kích thích đầu tư vào giáo dục, năng lượng sạch, xuất khẩu cơ sở hạ tầng sang châu Phi và nhóm nước thu nhập thấp, nâng cấp cơ sở hạ tầng và một số dự án khác để giúp tạo việc làm và giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Theo Fortune, CafeF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.