25/7/10

Ông chủ các mỏ dầu trên đất liền

Việc BP gặp khó khăn khiến nhiều người đau đầu, nhưng lại giúp Harold Hamm, người sở hữu tài sản dầu khí trên đất liền nhiều nhất nước Mỹ, nhìn thấy những cơ hội mới.
Được bình chọn trong danh sách 10 người kiếm tiền nhiều nhất nước Mỹ năm 2009, Harold Hamm, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Continental Resources (Oklahoma, Mỹ), là người sở hữu nhiều tài sản dầu khí trên đất liền hơn bất cứ người Mỹ nào khác. Tài sản mà ông đang nắm giữ nếu quy ra dầu và khí đốt ít nhất cũng lên đến con số 190 triệu thùng. Bên cạnh đó, sự cố xảy đến với việc khai thác dầu ngoài khơi của BP lại khiến cho cổ phiếu của Công ty ông liên tục tăng giá thêm.
“Át chủ bài” Bakken Shale
Điều đáng chú ý ở Hamm là hơn 50% thu nhập của ông đến từ Bakken Shale, một mỏ dầu rất sáng giá, trải dài từ bang North Dakota cho đến Montana. Trữ lượng dầu mỏ ước tính tại Bakken đã tăng từ mức 4 tỉ thùng cách đây 1 năm lên tới 8 tỉ thùng hiện nay, phần lớn nhờ vào
những khám phá của Continental Resources. Các chuyên gia phân tích tại tổ chức nghiên cứu năng lượng IHS-CERA (Mỹ) dự đoán, trong 10 năm nữa, mỏ Bakken có thể cho ra 1 triệu thùng dầu và khí đốt mỗi ngày, tăng từ mức 150.000 thùng hiện tại (1 triệu thùng dầu tương đương với sản lượng khai thác hiện nay của vịnh Mexico).
Hamm sở hữu 800.000 mẫu (khoảng hơn 3.200 km2) trong mỏ Bakken có diện tích 7 triệu mẫu (hơn 28.000 km2). Những ông chủ khác của Bakken là hãng Hess và Marathon Oil.
Từ sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico của BP, các cơ quan quản lý Mỹ săm soi các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và có thể sẽ đưa ra các quy định mới để siết chặt vấn đề an toàn của các mỏ xa bờ, gia tăng trách nhiệm pháp lý của các hãng dầu. Đây là tin vui cho Hamm vì điều này sẽ đẩy các mỏ trên bờ trở nên cao giá hơn khi các đối thủ lớn đang tìm kiếm các mỏ tiềm năng trên đất liền để đầu tư.
Người lau dọn bồn chứa xăng
Thành công đến với Harold Hamm không hề dễ dàng. Ông là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo khổ ở vùng nông thôn Oklahoma. Gia đình ông có tới 13 người, chuyên thu nhặt bông để kiếm sống. Năm 1963, không có đủ tiền để tiếp tục học lên đại học, ông đã xin vào làm ở một trạm xăng tại thành phố Enid.
“Lúc đó ngành dầu mỏ đang lên cơn sốt. Nếu bạn đứng trên một đồi núi cách thị trấn Ringwood chỉ 3 km về hướng Bắc, bạn có thể thấy có tới 26 giàn khoan mọc lên. Và lúc đó tôi nghĩ rằng bằng mọi giá phải nhảy vào lĩnh vực này”, Hamm kể.
Vì không có bằng địa chất học, Hamm đã bắt đầu từ công việc thấp kém nhất, đó là dọn dẹp bồn chứa xăng cho một nhà thầu trong lĩnh vực dầu mỏ. Đến năm 1965, ông tậu được một chiếc xe tải hiệu Ford. “Tôi bắt đầu tiếp cận các khách hàng, khoan bùn và đưa nước lên các giàn khoan”, ông nhớ lại. Trong thời gian đó, ông đã học hỏi kinh nghiệm từ các kỹ sư và nhà địa chất học trong vùng từ quy trình khoan cho đến sản xuất dầu.
Làm việc cả ngày lẫn đêm, thậm chí vào các ngày cuối tuần, cuối cùng Hamm đã tìm được cho mình một mỏ dầu nhỏ chạy dọc các hạt Alfalfa, Woods và Major ở phía Tây Bắc bang Oklahoma. Ông đã thuê lại giếng dầu cũ này cùng với một giếng dầu khác tại hạt Woods. Sau đó, ông khoan một giếng dầu mang tính thăm dò giữa hai giếng dầu này vào năm 1971. Và kết quả thật bất ngờ.
“Giếng dầu đầu tiên mang lại cho chúng tôi khoảng 20 thùng mỗi giờ, tức khoảng 480 thùng/ngày. Lúc đó, dầu đang ở mức giá 4 USD/thùng và đang ngày càng có giá. Giếng dầu thứ 2 cho ra 75 thùng mỗi giờ và tăng lên mức 100 thùng mỗi giờ vào năm 1973”, ông nhớ lại.
Đến năm 1974, Hamm bắt đầu thành lập công ty khoan giếng dầu, có 13 giàn khoan rải rác bang Oklahoma với doanh thu hơn 1,5 triệu USD mỗi năm. Nhận thấy kiến thức rất quan trọng trong ngành khai thác dầu, Hamm quyết định phải đi học. “Tôi cần hiểu được tất cả những công việc mà tôi đang làm. Vì thế, năm 1975, tôi đã học ngành nghiên cứu địa chất”, Hamm nói.
Sau khi ông tốt nghiệp đại học, Công ty của ông (sau đó trở thành Continental Resources) đã bắt đầu bành trướng khắp miền Trung Tây nước Mỹ và dãy núi Rocky, chủ yếu là thăm dò dầu khí và đã khám phá ra mỏ Cedar Hills ở bang North Dakota vào năm 1995. Tiếp theo đó là mỏ Bakken Shale. Đây là mỏ đang tạo ra nguồn thu chủ yếu cho Hamm.
Continental Resources lên sàn vào năm 2007 và hiện có mức vốn hóa khoảng 10 tỉ USD. Hamm nắm giữ 73% cổ phần trong công ty này. Hiện nay, ông vẫn làm công việc yêu thích của mình là nghiên cứu địa chất và mua lại các mỏ tiềm năng. Điểm dừng tiếp theo của ông sẽ là mỏ đá phiến dầu Woodford Shale ở Oklahoma mà ông tin rằng trữ lượng của nó có thể tăng gấp đôi trong vòng 5 năm.
Thách thức trước mắt
Tuy nhiên, không phải mọi ánh hào quang đều xoay quanh Hamm. Mặc dù không bị giới chính trị gia săm soi, nhưng Hamm vẫn nhận thấy triển vọng tăng trưởng trong tương lai của Continental Resources còn phải phụ thuộc tiếng nói của Washington.
Khi đưa ra mức ngân sách năm 2010 vào đầu năm nay, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội bãi bỏ các chính sách ưu đãi thuế lâu nay dành cho các hoạt động khai thác dầu trên đất liền. Theo Hamm, đây là tin chẳng lành đối với các công ty dầu khí độc lập (số giếng dầu ở Mỹ được khoan bởi các công ty này lên tới 90%).
Một vài điều trong số các quy định ưu đãi thuế trên đã tồn tại gần 100 năm nay, giúp nâng cao đáng kể lợi nhuận của các công ty khai thác dầu trên đất liền. Việc bãi bỏ các chính sách ưu đãi thuế trên, nếu được thông qua, sẽ giúp Chính phủ có thêm 36 tỉ USD tiền thuế mỗi năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận của một số giếng dầu khi đó sẽ giảm mạnh và như vậy các công ty dầu khí sẽ không còn tha thiết đầu tư vào việc khoan giếng nữa. Hamm cũng cho biết, nếu ưu đãi không còn, Continental Resources có thể sẽ giảm hơn 1/3 số tiền chi vào hoạt động khoan giếng dầu, dự kiến xấp xỉ 850 triệu USD trong năm nay. Ông cho rằng, những công ty khác cũng sẽ làm như vậy.
Theo Hamm, việc bãi bỏ các chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động khoan giếng cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ đã tự đánh mất cơ hội giảm phụ thuộc vào việc khai thác dầu xa bờ. Tạp chí Forbes từng nhận xét rằng, Mỹ nắm giữ trữ lượng dầu mỏ trong nước dồi dào nằm dưới những mảnh đất thuộc sở hữu của Chính quyền Liên bang và chỉ cần Chính phủ chịu “tung hàng” để các công ty tham gia khoan giếng thì có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.
Một tin vui cho Hamm là vào tháng 6 vừa qua Thượng Nghị viện Mỹ đã bỏ phiếu chống với tỉ lệ 61-35 đối với dự luật chấm dứt các chính sách ưu đãi thuế dành cho hoạt động khoan giếng dầu. Nếu các quy định ưu đãi tiếp tục được duy trì, nhà tỉ phú Harold Hamm hẳn sẽ vẫn tiếp tục nằm trong danh sách những người kiếm tiền nhiều nhất nước Mỹ trong thời gian tới.
Theo Forbes, MoneyWeek, Nhịp Cầu Đầu Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.