23/7/10

Nền tài chính Mỹ sẽ thay đổi như thế nào ?

Một thể chế mới, một cơ quan mới, nhiều quy định chặt chẽ hơn và cũng không ít những mặc cả chính trị.
Phải sửa đổi điều này, sửa đổi điều khác, thậm chỉ sửa đổi cả sửa đổi. Các nhà thương thuyết và trợ lý của họ dường như đang ngập trong giấy tờ.
Phiên họp marathon kéo dài từ 5h39’ sáng ngày 25/06 đầy những mặc cả và toan tính mù mờ đã cho ra đời một văn bản được coi là bộ luật quan trọng nhất về tài chính của nước Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái, cho dù những người phản đối có chê bai đó chỉ là bộ luật làm cho xong chuyện.
Ngày 30/06, Hạ viên phê chuẩn dự luật với tên gọi Đạo luật Cải cách phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng (còn gọi là Đạo luật Dodd-Frank, đặt theo tên hai kiến trúc sư chính là các Thượng nghị sỹ Chris Dodd và Barney Frank).

Nửa tháng sau, nó vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện với 60 phiếu thuận và 39 phiếu trống. Đây là thắng lợi thứ hai của Tổng thống Barack Obama sau đạo luật cải cách y tế.
Cần phải có thêm một cặp kính màu hồng mới đồng ý với lời quả quyết của TT Obama rằng đạo luật mới sẽ đảm bảo không còn có chuyện giải cứu ngân hàng nữa.
Hơn nữa, có những thiếu sót đáng chú ý. Các tác giả của đạo luật này lờ đi những câu hỏi lớn như vị thế trong tương lai của Fannie Mae và Freddie Mac. Điều này khiến phe Cộng hòa thất vọng vì họ xem hai cơ quan này đã góp phần gây nên khủng hoảng tài chính.
Đạo luật cũng không thật sự tổ chức lại được các cơ quan giám sát liên bang. Lý do của việc này là sức ép chính trị có thể hủy hoại toàn bộ đạo luật.
Tuy vậy, đạo luật vẫn bao phủ trên một diện rộng để củng cố hệ thống tài chính thêm vững mạnh.
Một cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng mới được ra đời. Nó cho phép các cơ quan giám sát giải thể không chỉ ngân hàng mà toàn bộ các tập đoàn tài chính đang sụp đổ, buộc các đối thủ cạnh tranh còn sót lại thay vì người nộp thuế gánh chịu nhiều hơn phần chi phí xử lý hậu quả.
Những tổ chức “chứng khoán hóa” các khoản vay sẽ phải giữ lại nhiều rủi ro hơn. Cái gọi là quy tắc Volcker sẽ hạn chế giao dịch tự doanh và đầu tư vào các quỹ đầu cơ và quỹ vốn cổ phần của ngân hàng. Thị trường công cụ phái sinh sẽ không còn được để mặc cho tự hoạt động nữa.
Còn tùy gió thổi hướng nào
Đạo luật này là một phần của bước chuyển mang tính toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo đó chính phủ sẽ can dự sâu hơn vào ngành tài chính.
Quá trình phi luật lệ hóa ở Mỹ được bắt đầu từ cuối những năm 70, tăng tốc vào hai thập niên 80 và 90 với đỉnh cao là một đạo luật cho phép thị trường hợp đồng hoán đổi đang phát triển rất nhanh gần như không chịu điều tiết và bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall 1933 chia tách ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.
Quá trình tái điều tiết doanh nghiệp Mỹ bắt đầu với Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 được thiết kế để thắt chặt quản trị doanh nghiệp sau bong bóng dotcom và vụ phá sản của Enron.
Nhưng với ngành tài chính, tâm lý phi luật lệ hóa tiếp tục cho đến tận khủng hoảng 2007-08.
Đạo luật Dodd-Frank đầy rẫy những thỏa hiệp bừa bãi. Quy tắc Volcker bị nới lỏng để cho phép ngân hàng đầu tư tối đa 3% vốn cấp 1 vào quỹ đầu cơ và quỹ vốn cổ phần, tương đương 3-4 tỷ đôla với các ngân hàng lớn nhất.
JPMorgan Chase có thể giữ lại quỹ đầu cơ Highbride khổng lồ của mình, vì họ chỉ đầu tư bằng tiền của khách hàng. Morgan Stanley phải tách bộ phận tự doanh chỉ đóng góp chưa tới 2% doanh thu của toàn tập đoàn ra. Goldman Sachs sẽ là người chịu tổn thất nặng nề nhất: 10% doanh thu của họ đến từ tự doanh.
Việc có cấm giao dịch tự doanh hay không còn phải đợi một hội đồng các cơ quan giám sát do Bộ Tài chính đứng đầu nghiên cứu và phê chuẩn. Các công ty sẽ có ít nhất 7 năm để thanh lý tài sản.
Thỏa hiệp về bộ phận hợp đồng hoán đổi còn tùy tiện hơn: đó là một thỏa thuận vô lý để TNS Blanche Lincoln giữ thể diện, ông là tác giả của đề xuất đòi tách bộ phận này khỏi ngân hàng.
Ngân hàng có thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng hoán đổi lãi suất, ngoại hối và tín dụng chất lượng cao; các hợp đồng hoán đổi được cho là rủi ro hơn như hoán đổi hàng hóa, cổ phiếu và tín dụng hạng đầu cơ phải được tách ra và chuyển vào một công ty con với chi phí vốn cao hơn.
Hợp đồng hoán đổi lãi suất có thể phù hợp với ngân hàng hơn là hoán đổi hàng hóa, nhưng ý nghĩ cho rằng nó vốn đã an toàn hơn thì thật đáng cười: các hợp đồng hoán đổi lãi suất được xây dựng tồi đã gây ra không biết bao nhiêu thua lỗ cho ngân hàng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong những năm qua.
Nhưng vì hợp đồng hoán đổi lãi suất và ngoại tệ đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, các ngân hàng Mỹ sẽ chỉ phải chuyển chưa tới 10% trong số 218 tỷ đôla tổng giá trị (danh nghĩa) các chứng khoán phái sinh mình đang nắm giữ. Những bàn tán về cuộc di cư của nghiệp vụ phái sinh tới London đã lui dần.
Dù những sửa đổi của Volcker và Lincoln chiếm gần hết những tít báo gần đây thì điều cốt lõi trong đạo luật này lại nằm ở nơi khác.
Đó là cơ quan bảo vệ tiêu dùng với quyền lực rộng lớn có thể soạn thảo các quy tắc và cấm các sản phẩm tài chính.
Đó là cơ chế giải quyết nới rộng quyền lực của các cơ quan giám sát để buộc cả chủ nợ và cổ đông đều phải chịu thua lỗ và yêu cầu các tập đoàn tài chính khỏe mạnh phải chịu chi phí giải quyết hậu quả nếu đối thủ sụp đổ.
Đó là yêu cầu các chứng khoán phái sinh “tiêu chuẩn” phải được giao dịch qua trung tâm lưu ký và sở giao dịch, các hợp đồng được xây dựng tùy chọn sẽ phải chịu chi phí vốn cao hơn.
Và đó là yêu cầu quỹ đầu cơ và công ty vốn cổ phần quản lý từ 150 triệu đôla trở lên đăng ký với Ủy ban chứng khoán (SEC) và cung cấp thông tin về danh mục cũng như các giao dịch của họ.
Những quy định ấy được ca tụng cũng như lên án với mức độ như nhau.
Một số người coi đó là một bước tiến lớn trong bối cảnh vẫn chưa cơ chế điều tiết nào đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng như hiện nay. Số khác lại lo ngại rằng nó có thể tạo ra thêm nhiều vụ cứu trợ khác.
Các cơ quan giám sát ngân hàng từ lâu đã sao lãng bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng một số người lo cơ quan mới này sẽ lại là một tổ chức hành chính quan liêu nữa.
Đưa chứng khoán phái sinh vào sở giao dịch là điều nên làm, nhưng quá nhiều hạn chế có thể ảnh hưởng tới tính thanh khoản.
Theo Economist, CafeF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.