25/7/10

Luật mới sẽ thay đổi ngành tài chính Mỹ như thế nào?

Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật làm thay đổi bộ mặt ngành tài chính, nhưng mới “về chủ trương”, quy định cụ thể ra sao còn phụ thuộc các cơ quan giám sát.
Quốc hội mới quyết “về chủ trương”
Dù không vui vẻ gì nhưng giới ngân hàng cũng biết họ có thể đã phải hứng chịu những điều còn tồi tệ hơn. Ít ra thì cũng không phải quay lại Đạo luật Glass-Steagall, không có chuyện buộc phải chia tách.
Đạo luật Dodd-Frank sẽ lấy mất một phần lợi nhuận ngân hàng do giảm phí, tăng chi phí giám sát, làm chậm lại các giao dịch vốn, … Các nhà phân tích kỳ vọng rằng từ nay đến năm 2013 chúng sẽ làm các ngân hàng hụt mất 5% đến 20% lợi nhuận.
Tác động tới các ngân hàng cấp vùng là nhỏ nhất, dù có như thế cũng là đủ để buộc một số ngân hàng phải sáp nhật, qua đó làm giảm số tổ chức cho vay.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là nghiệp vụ phái sinh, khu vực do một nhóm các ngân hàng toàn cầu thống trị.
Kinner Lakhani từ Citigroup cho rằng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) của họ đối với nghiệp vụ hàng năm mang lại tới 100 tỷ đôla doanh thu này có thể giảm từ 25% xuống 15%.
Như vậy, các ngân hàng thuộc top 50 của Mỹ khó có thể duy trì được tỷ lệ ROE trung bình 16% như giai đoạn 1997-2006.
Tuy vậy, cũng có những yếu tố làm giảm tác động của những điều trên. Ngân hàng có thể đẩy chi phí về phía người tiêu dùng bằng cách tăng phí và chênh lệch tín dụng cho các khoản vay.
Điều đó đã đang xảy ra rồi: thực tế họ vẫn giữ lại một phần lợi ích từ việc FED [1] can thiệp hạ lãi suất cho vay thế chấp mua nhà bằng cách mua lại trái phiếu bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp mua nhà (MBS).
Trên thị trường phái sinh, tiêu chuẩn hóa cao hơn có thể khiến khối lượng giao dịch lớn hơn qua đó khắc phục được việc lợi nhuận biên giảm.
Hơn nữa, chi phí vốn cũng giảm do các hợp đồng được lưu ký tập trung, giải phóng một phần dự trữ cần cho các giao dịch phi tập trung. Theo Betsy Graseck từ Morgan Stanley, chỉ riêng Bank of America có thể hưởng lợi tới gần 5 tỷ đôla.
Khó mà dự đoán được tác động chính xác, ít nhất là vì đạo luật mới trao nhiều quyền cho các cơ quan giám sát. Phần lớn đạo luật này chỉ như một khuôn mẫu để các cơ quan giám sát tiếp tục hoàn thiện.
Thời gian hoàn thiện có thể lên tới 2 năm. Họ đã được yêu cầu tiến hành 150 nghiên cứu và viết 350 quy tắc chi tiết tương đương 150-200.000 trang giấy.
Ngân hàng có thể hy vọng rằng các cơ quan giám sát sẽ đồng cảm hơn với lập luận rằng quy định ngặt nghèo có thể đe dọa tính cạnh tranh và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
“Nói thẳng nhé, “làm việc” với họ nhẹ gánh hơn nhiều so với Quốc hội,” một quan chức tại Phố Wall nói.
Ví dụ như điều khoản điều chỉnh “interchange fee” (tạm dịch, lệ phí trao đổi) mà thương nhân phải trả cho ngân hàng trong các giao dịch với thẻ ghi nợ. Hạ 50% phí này sẽ làm giảm 2-3,4% thu nhập trước thuế của các tổ chức phát hành thẻ.
Nhưng tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào cơ quan thực hiện điều tiết, tức FED, nghĩ thế nào là “hợp lý và cân xứng” (như đạo luật viết).
Các cơ quan giám sát cũng sẽ có nhiệm vụ định nghĩa thế nào là giao dịch tự doanh (khác với tự bảo hiểm và tạo lập thị trường), điều mà nhiều người cho là không thể.
Các nhà làm luật cũng để cho cơ quan điều tiết định nghĩa thế nào là “tài sản rủi ro cao”. Một vấn đề đau đầu nữa là phân loại chứng khoán phái sinh tiêu chuẩn và tùy biến ra sao.
Điều khoản làm các công ty trên thị trường vốn lo ngại nhất là điều khoản cấm ngân hàng đóng gói trái phiếu bảo đảm bằng tài sản từ bất kỳ một giao dịch liên quan nào gây “xung đột lợi ích rõ ràng”.
Điều khoản này chỉ được đưa vào sau khi SEC khởi kiện Goldman với tội danh lừa đảo. Định nghĩa cho cái gọi là “xung đột lợi ích rõ ràng” này cũng rất quan trọng để xác định phạm vi hoạt động của các nhà tạo lập thị trường.
Trên hết, đạo luật Dodd-Frank giao cho các cơ quan giám sát một chức năng mới là nhận diện và giải quyết các nguy cơ đối với sự ổn định tài chính, đặc biệt là bong bóng tài sản.
Một hội động giám sát rủi ro hệ thống được thành lập bao gồm Bộ Tài chính, các cơ quan giám sát liên bang và một thành viên độc lập.
Chín người mười ý, nhưng ai cũng tính lợi cho mình
Các tác giả của đạo luật này không chỉ dành việc quyết định phần lớn các luật lệ mới cho các cơ quan giám sát nội địa mà đa phần các vấn đề quan trọng nhất như vốn ngân hàng thậm chí còn bị đẩy đi xa hơn tới tay các nhà làm luật quốc tế.
Nếu khó cải cách được ở Mỹ thì thúc đẩy tiến trình này qua hàng tá quốc gia là điều gần như không thể.
Trông một cuộc họp gần đây ở Vienna của Viện Tài chính quốc tế, một tổ chức vận động hành lang của ngành này, lãnh đạo của các ngân hàng hàng đầu thế giới đều cho rằng càng đến gần giờ phút quyết định, càng khó xây dựng một luật chơi cho toàn cầu.
Cuộc họp gần đây nhất của G20 ra một thông cáo như thường lệ về sự phối hợp toàn cầu. Tuy vậy, vẫn có những sự bất đồng công khai.
Ý tưởng về một sắc thuế toàn cầu đánh vào ngân hàng mà Mỹ và một số nước Châu Âu thích thú đã bị loại bỏ.
Không mấy bất ngờ là các quốc gia không phải chịu khủng hoảng như Australia, Canada và phần lớn các nước mới nổi cho rằng ý tưởng này vừa điên rồ vừa không cần thiết.
Bất đồng về quy tắc toàn cầu mới về vốn và thanh khoản cũng đang tăng lên. Đầu tiên, sự chia rẽ giữa các cơ quan định ra tiêu chuẩn quá lớn.
Các nhà làm luật Mỹ bắn tín hiệu họ sẽ mở rộng việc định giá theo giá trị thị trường (mark-to-market) đối với cả danh mục cho vay cũng như chứng khoán, trong khi các nhà làm luật tại các quốc gia khác lại đi theo hướng ngược lại.
Với chuyện sổ sách, quan trọng là phải xem vốn là gì, vì thế sẽ thật lố bịch nếu cứu cố đưa ra một tiêu chuẩn chung về vốn mà lại không có tiêu chuẩn chung về kế toán.
Cựu Phó Chủ tịch Citigroup và hiện là Phó Chủ tịch IIF, ông Bill Rhodes, nói sự đồng thuận quan trọng tới mức mà để mọi việc tiến triển tốt, giới chính trị có thể tạo mọi sức ép đối với các cơ quan định ra tiêu chuẩn, cho dù có làm giảm tính độc lập của các cơ quan này đi chăng nữa.
“Đây là vấn đề của cả G20. G20 sẽ phải nói, “Này, các ông, thống nhất đi chứ.””
Bề ngoài thì dùng đủ phép tu từ để nói về “thống nhất”, nhưng nước nào cũng vận động hành lang cho mình.
Mỹ mạnh miệng nhưng lại muốn để ngân hàng tính cả phí tương lai có liên quan tới cho vay thế chấp là vốn. Nước lớn nào ở Châu Âu cũng muốn mình được “miễn” một số vấn đề nào đó.
Nếu đứng tách biệt, nhiều điều họ đang vận động cũng hợp lý. Nhưng nếu kết hợp lại thì đó sẽ là thảm họa.
Trừ Mỹ, nền kinh tế các nước khác vay tiền từ ngân hàng nhiều hơn so với từ thị trường vốn. Vì thế mà họ cũng lo ngại tác động của các quy định chặt chẽ hơn đối với tăng trưởng kinh tế.
Giới ngân hàng lại đổ thêm dầu vào lửa: một nghiên cứu của IIF kết luận rằng các tiêu chuẩn đề xuất trong Basel 3 từ nay đến năm 2015 có thể lấy mất tổng cộng 3% GDP của Mỹ, khu vực eurozone và Nhật Bản (nghiên cứu này lờ đi lợi ích mà một thể chế ổn định hơn mang lại nhờ hạn chế khủng hoảng xảy ra).
Các cơ quan giám sát toàn cầu cho rằng họ vẫn được ủng hộ về mặt chính trị để hành động quyết liệt hơn và quy tắc mới sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trước cuối năm 2012 để hạn chế tác động xấu tới kinh tế.
Mức độ nghiêm trọng của những tác động xấu ấy đang là chủ đề tranh luận nóng bỏng. Trái ngược với IIF, các cơ quan giám sát Thụy Sỹ cho rằng hai ngân hàng lớn của nước này có tăng mạnh vốn thì cũng ít có ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Nhóm các cơ quan giám sát Basel đang tiến hành nghiên cứu của riêng mình và có khả năng sẽ đi tới kết luận tác động xấu từ các đề xuất của họ ít hơn nhiều so với ước tính của IIF, có lẽ chỉ 0,5% GDP (không tính tới tác động tốt khi có ít khủng hoảng hơn).
Có lẽ điều duy nhất nhóm này buộc phải thừa nhận là quy tắc mới sẽ buộc ngân hàng phải nhanh chóng cải thiện nguồn vốn dài hạn, một điều gần như không thể nếu tính tới những náo động gần đây trên thị trường chứng khoán nợ.
Các cơ quan giám sát quốc gia liệu có đúng khi đặt quá nhiều niềm tin vào các định chế toàn cầu? Thực tế họ vẫn bị xem thường.
Khả năng là họ sẽ thỏa hiệp về tiêu chuẩn kế toán và cứng rắn đối với các quy tắc về vốn và thanh khoản. An toàn vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục được củng cố sau khi đã được cải thiện hơn nhiều so với trước.
Nhưng điều đáng lo ngại là “vốn chính trị” đã dùng để thực hiện những nhiệm vụ khá cơ bản như vậy nên các ưu tiên khác sẽ bị gạt sang một bên, đặc biệt là với các ngân hàng đổ vỡ.
Hầu như nước nào cũng đang cố gắng hết sức để trao công cụ pháp lý cho các cơ quan giám sát để họ có thể buộc cả chủ nợ phải gánh chịu thua lỗ.
Nhưng căn cứu vào tình hình tài chính thực tế trên bảng cân đối kế toàn các ngân hàng thì mình công cụ pháp lý không thôi có thể là không đủ nếu nỗi lo thua lỗ có thể làm phần lớn đối tác và chủ nợ cân nhắc việc tháo chạy.
Điều cần thiết là phải phân tách rõ ràng, chủ nợ nào sẽ phải cùng hứng chịu thua lỗ khi ngân hàng sụp đổ và chủ nợ nào sẽ được bảo vệ.
Chính điều này là đặt ra yêu cầu phân loại lại chủ nợ, tức là tạo ra các loại chứng khoán nợ mới sẽ hoán đổi thành cổ phiếu trong các trường hợp nhất định.
Dù Basel có tiếp tục cân nhắc tới các biện pháp như thế, họ vẫn tập trung chủ yếu vào những câu hỏi tưởng chừng như đã rõ ràng như củng cố an toàn vốn tại ngân hàng. Vẫn chưa biết liệu một tiến trình đa phương có thật sự mang lại điều gì hay không.
Theo Economist, CafeF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.