21/7/10

JES Staley: Người hùng giấu mặt tại JP Morgan

Nói năng nhỏ nhẹ, mềm mỏng, luôn tập trung chú ý đến khách hàng, đó là phong cách của Jes Staley. Ông đã dành phần lớn cuộc đời ở ngân hàng JP Morgan Chase (Mỹ). Nhưng cho đến nay, ông là người hầu như chưa từng nghe nói đến đối với những ai không làm trong ngành tài chính.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi. Tháng 9.2009, sau 30 năm đứng sau bức màn nhung tại JP Morgan Chase, Staley đã được chọn vào vị trí điều hành bộ phận ngân hàng đầu tư với doanh thu 28 tỉ USD mỗi năm, một trong những vị trí có quyền lực nhất và thu hút nhiều sự chú ý nhất tại Phố Wall.

Người hùng giấu mặt
Staley được giao trọng trách này bằng cách giành được sự tín nhiệm của Tổng Giám đốc (CEO) Jamie Dimon, vốn là một người rất khó lấy lòng. “Ở Jes toát ra sự chính trực và một tính cách không chê vào đâu được. Hầu như ai ở JP Morgan Chase cũng phải thừa nhận rằng, Jes hoàn toàn phù hợp với công việc này”, Dimon nói. Và nhiều người còn cho rằng, Staley có triển vọng sẽ trở thành người kế nhiệm Dimon trong tương lai.
Trong thập kỷ qua, Staley đã điều hành bộ phận quản lý tài sản của JP Morgan Chase một cách xuất sắc, nâng lượng tài sản khách hàng được quản lý lên tới xấp xỉ 1.300 tỉ USD so với mức 605 tỉ USD năm 2001. Nhờ tài cầm quân của ông, bộ phận này đã trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất Phố Wall. Đặc biệt, trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính, các nhà đầu tư đã thoái vốn khỏi các quỹ gặp khó khăn và đổ vào JP Morgan Chase, lúc đó nổi lên như là một trong những ngân hàng có “sức khỏe” tốt nhất tại Mỹ.
Điều giúp Staley gây ấn tượng nơi người đối diện là trí thông minh, khả năng vạch chiến lược và tính thẳng thắn. Ông làm việc cho JP Morgan vào năm 1979, sau khi tốt nghiệp Đại học Bowdoin (Mỹ) về kinh tế học. Lúc này, ông chủ yếu hoạt động tại khu vực châu Mỹ Latin.
Tháng 9.1982, cuộc khủng hoảng nợ châu Mỹ Latin bùng nổ, làm sụp đổ Banco Interatlântico, ngân hàng đầu tư của Brazil mà JP Morgan nắm giữ 50% vốn. Đó cũng là thách thức lớn đầu tiên mà Staley phải vượt qua trên cương vị người đứng đầu bộ phận tài chính doanh nghiệp ở Chi nhánh Brazil và là CEO bộ phận môi giới. “Chúng tôi đã phải đưa những người giỏi nhất từ London và New York qua Brazil để điều hành ngân hàng này. Phải mất 4 năm chúng tôi mới làm cho Banco Interatlântico ổn định trở lại”.
Cuộc chinh chiến ở Brazil của Staley đã chấm dứt vào năm 1989 và ông quay trở về New York. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ điều hành phòng giao dịch chứng khoán chuyển đổi lúc đó vẫn còn non trẻ. Sau đó, ông đã được cất nhắc đứng đầu bộ phận cổ phiếu. Ông đã tỏa sáng khi đưa bộ phận này từ vị trí chót bảng lên hàng thứ 6 trong số các công ty bảo lãnh phát hành hàng đầu tại Phố Wall xét trên số vốn huy động được.
Năm 1999, Douglas “Sandy” Warner, lúc đó là CEO của JP Morgan, đã giao cho ông trọng trách quản lý bộ phận ngân hàng cá nhân đang gặp khó khăn của Tập đoàn. Dưới tài quản lý của Staley, khả năng sinh lợi của bộ phận này đã tăng gấp 3 lần trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, không bao lâu sau, Staley và các đồng nghiệp của ông tại JP Morgan đã có chủ mới.
Tháng 9.2000, giới tài chính toàn cầu đã bị sốc trước thông tin Ngân hàng Chase Manhattan (Mỹ) mua lại JP Morgan với giá 36 tỉ USD và đổi tên thành JP Morgan Chase. Sau vụ sáp nhập lịch sử này, Staley tiếp tục lãnh đạo bộ phận ngân hàng cá nhân tại doanh nghiệp mới sáp nhập. Cuối năm 2001, ông lại được giao thêm trách nhiệm điều hành bộ phận quản lý tài sản.
Staley một lần nữa đã chứng tỏ năng lực của mình khi dẫn dắt JP Morgan Chase nhảy vào lĩnh vực đầu tư thay thế sinh lợi. Ông cho rằng, sự manh nha xuất hiện của các hình thức đầu tư thay thế là dấu hiệu cho thấy khẩu vị của nhà đầu tư đã thay đổi. Và đó là lúc ông đã tìm thấy một phương thức làm ăn mới.
Ông tin rằng, JP Morgan Chase sẽ có lợi nhuận cao hơn bằng cách mua lại một quỹ đầu cơ và mục tiêu mà ông muốn thâu tóm là Highbridge Capital Management, một quỹ đầu cơ có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị của JP Morgan lại tỏ ra hờ hững với ý tưởng của Staley. Nguyên CEO Larry Bossidy của hãng kỹ thuật AlliedSignal thậm chí còn nhận định: “Ngay cả khi một ngân hàng lớn như JP Morgan mua lại công ty như Highbridge, tất cả những người giỏi nhất cũng sẽ ra đi”.
Dimon, Chủ tịch của JP Morgan Chase từ sau vụ sáp nhập giữa JP Morgan Chase với Bank One (năm 2004), cũng đồng tình với Hội đồng Quản trị. Câu trả lời của ông đối với kế hoạch của Staley là “Không”. Theo lập luận của Dimon, có quá nhiều quỹ đầu cơ phải dựa vào tài năng của những người sáng lập mới có thể tồn tại. Vì vậy, mất đi người sáng lập thì quỹ đầu cơ đó sẽ không còn gì cả.
Tuy nhiên, Staley phản biện lại rằng, Highbridge không phải là nơi chỉ dành cho các ngôi sao và chỉ ra một điều khoản trong vụ giao dịch mà Dimon không thể không hài lòng, đó là đổi lấy những chính sách khuyến khích, đãi ngộ về công việc, phía Highbridge đã đồng ý bán lại với giá chỉ 700 triệu USD. Ngay sau khi nghe qua điều khoản giao dịch, “Dimon đã chấp nhận ngay”, Staley nhớ lại. Dimon đã nhận xét: “Hầu như không ai thấy được cái lợi từ thương vụ này, nhưng nó đúng là như vậy”.
Tháng 9.2004, khi JP Morgan tuyên bố mua lại đa số cổ phần trong Highbridge, quỹ đầu cơ này đã có trong tay 7 tỉ USD giá trị tài sản được quản lý. Đến cuối năm 2009, khi JP Morgan mua số cổ phần còn lại trong Highbridge, lượng tài sản mà Quỹ quản lý đã lên tới 21 tỉ USD. Highbridge Glenn Dubin, một trong những nhà sáng lập nên Highbridge, tiếp tục đảm nhận chức CEO trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Dubin cho biết, tất cả những gì có được là nhờ Staley, vì ông là người đã có công nâng doanh thu tại bộ phận quản lý tài sản lên tới 7,97 tỉ USD, gấp đôi so với năm 2001.
Sau khi chiếm được 9,2% tổng phí dịch vụ ngân hàng đầu tư toàn 
ngành năm 2009 (đưa JP Morgan Chase lên vị trí số 1), Staley lại đặt mục
 tiêu giành 10% thị phần trong năm 2010.
Sau khi chiếm được 9,2% tổng phí dịch vụ ngân hàng đầu tư toàn ngành năm 2009 (đưa JP Morgan Chase lên vị trí số 1), Staley lại đặt mục tiêu giành 10% thị phần trong năm 2010.
Thách thức mới
Giờ đây, ở vị trí mới, lãnh đạo bộ phận ngân hàng đầu tư của JP Morgan, Staley đang đứng trước thách thức rất lớn, vì đây là bộ phận tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất của Tập đoàn.
Tại một cuộc họp với các nhà đầu tư vào tháng 2 vừa qua, Staley đã đưa ra kế hoạch về thị phần khá tham vọng. Sau khi chiếm được 9,2% tổng phí dịch vụ ngân hàng đầu tư toàn ngành năm 2009 (đưa Ngân hàng lên vị trí số 1), Staley lại đặt mục tiêu giành 10% thị phần trong năm 2010. Ông hy vọng sẽ đạt được điều này nhờ vào tốc độ bành trướng nhanh của Tập đoàn tại khu vực châu Á, nơi mục tiêu mà Tập đoàn đặt ra là tăng gần gấp đôi phí dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Staley cũng tuyên bố, bộ phận ngân hàng đầu tư của JP Morgan sẽ đạt chỉ tiêu ROE (hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) 17% trong năm 2010, giảm so với mức 21% của năm 2009 (2009 là năm tăng trưởng đột biến của Tập đoàn), nhưng cao hơn so với mức trung bình 12% của những năm trước đó.
Mặc dù Staley đã từng làm nên những cú “lội ngược dòng” nhưng ông sẽ gặp khó khăn trong việc giữ vững ngôi vị số 1, khi các đối thủ bắt đầu quay trở lại sau một thời gian dài chữa lành vết thương do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra.
“JP Morgan Chase năm ngoái đã củng cố được thị phần, tăng mạnh năng lực tài chính cũng như mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, một điều chắc chắn đối với lĩnh vực ngân hàng đầu tư là khi thời kỳ tươi đẹp quay trở lại thì sự cạnh tranh sẽ xuất hiện”, Jeff Harte, chuyên gia phân tích tại Sandler O’Neil & Partners, nhận định.
Tuy nhiên, Dimon dường như không cho đó là vấn đề. Bởi lẽ, cho đến nay, Staley vẫn chưa làm cho JP Morgan Chase phải thất vọng.
Theo CNN, Nhịp Cầu Đầu Tư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.