Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill như một cẩm nang hướng dẫn cách tự tạo động lực cho bản thân mỗi người nhằm đạt được những giá trị đích thực của cuộc sống, cũng như sự thành công trong công việc và trạng thái giàu có bền vững. Đồng thời, những thông điệp trong cuốn sách cũng mang lại ngọn lửa say mê và niềm yêu thích, hứng khởi trong công việc.
Cuốn sách gồm tuyển tập những bài viết nham giúp bạn qua mỗi tuần lại nỗ lực hơn nữa để đạt được thành tích cao hơn cũng như trở nên giàu có hơn. Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill gồm 52 bài viết, tương ứng 52 tuần trong năm. Mỗi tuần, bạn hãy đọc một bài trong một thời gian nhất định – khi đó, bạn sẽ có cơ hội suy ngẫm những ý nghĩa sâu xa trong lời khuyên của Napoleon Hill. Không có bài viết nào dài dòng, cũng chẳng có bài viết nào khó hiểu. Nhưng tất cả sẽ là một thử thách đối với bạn.
TƯ TƯỞNG LÀ VẬT CHẤT
Thực vậy, “tư tưởng là vật chất”, một dạng vật chất với sức mạnh to lớn có thể chuyển hóa thành sự giàu có hay bất kỳ mục tiêu nào khác một khi được hòa quyện với mục đích rõ ràng, lòng kiên trì và niềm khát khao cháy bỏng.
Cách đây vài năm, Edwin C. Barnes khám phá ra một chân lý giản đơn: con người có thể trở nên giàu có bằng tư tưởng. Phát hiện của ông không đến trong một sớm một chiều mà hình thành dần dần, bắt nguồn từ ước muốn trở thành người hợp tác kinh doanh với nhà phát minh lỗi lạc Thomas Edison.
Một trong những điểm quan trọng trong khát vọng của Barnes là nó được xác định rất rõ ràng. Ông muốn cộng tác chứ không làm công cho Edison. Hãy xem ông làm thế nào để biến khát vọng của mình thành hiện thực nhằm hiểu rõ hơn về những nguyên tắc mang lại sự giàu sang.
Khi ý nghĩ này lần đầu tiên lóe lên trong tâm trí Barnes, ông vẫn chưa có đủ điều kiện để thực hiện nó. Ông gặp phải hai trở ngại. Thứ nhất, ông không quen biết Edison; thứ hai, ông không đủ tiền mua vé xe lửa đi West Orange, New Jersey – nơi đặt phòng thí nghiệm nổi tiếng của nhà bác học Edison.
Bấy nhiêu khó khăn đó cũng đủ làm nản lòng đa số người bình thường tiếp tục thực hiện khát vọng của họ. Nhưng khát vọng của Barnes không tầm thường. Khát vọng ấy mãnh liệt đến mức giúp Barnes vượt qua tất cả để trở thành người cộng tác của Edison.
NHÀ PHÁT MINH VÀ “KẺ LANG THANG”
Edwin C. Barnes xuất hiện trước phòng thí nghiệm của Edison và nói với nhà phát minh rằng anh đến với ước muốn được cộng tác kinh doanh với ông. Nhiều năm sau, Edison kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên đó:
“Anh ta đứng ngay trước mặt tôi, trông như mọi kẻ lang thang khác, nhưng nét mặt anh làm tôi có ấn tượng rằng người thanh niên này sẵn sàng và quyết tâm thực hiện bằng được những gì anh ta theo đuổi. Qua nhiều năm tiếp xúc với đủ hạng người, tôi nghiệm ra rằng, khi một người thực sự khao khát điều gì đó đến mức sẵn sàng đánh đổi bằng cả tương lai của mình, chắc chắn anh ta sẽ thành công. Tôi đã cho Barnes một cơ hội theo lời đề nghị của anh, bởi tôi biết rằng người như Barnes sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi thành công. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh rằng tôi đúng.”
Điều gì đã khiến Barnes có được một vị trí trong văn phòng của Edison ? Do vẻ bề ngoài như một kẻ lang thang của anh ư? Điều đó chỉ gây bất lợi cho Bernes. Nguyên nhân sâu xa là anh có một ý chí mãnh liệt muốn được cộng tác với Edison. Ý muốn mạnh mẽ ấy toát ra bên ngoài, tạo nên một sức hút buộc nhà phát minh phải chú ý đến chàng trai trẻ tuổi.
Barnes không được Edison chấp nhận cộng tác ngay từ đầu. Anh chỉ nhận được cơ hội làm việc trong văn phòng của Edison với một khoản tiền lương rất khiêm tốn.
Nhiều tháng trôi qua. Không có gì tiến triển để giúp Barnes tiến gần hơn tới mục tiêu lớn mà anh cam kết theo đuổi. Nhưng một điều quan trọng vẫn đang diễn ra trong tâm trí Barnes. Anh vẫn không ngừng nuôi dưỡng và làm sôi sục thêm khao khát trở thành người cộng tác kinh doanh với Edison.
Các nhà tâm lý học đã rất đúng khi cho rằng: “Khi một người thực sự muốn làm điều gì thì vẻ ngoài của họ sẽ thể hiện ra điều đó”. Barnes sẵn sàng cộng tác kinh doanh với Edison và anh luôn đặt mình ở tư thế sẵn sàng cho đến khi anh đạt được điều mong muốn.
Anh không tự bao biện với chính mình rằng: “Thôi nào Bernes, cộng tác với Edison thì cũng được ích lợi gì cơ chứ? Ta sẽ đổi ý và cố gắng làm tốt công việc của một người bán hàng”. Ngược lại, anh khẳng định với chính mình: “Ta đến đây để hợp tác kinh doanh với Edison và ta sẽ đạt được mục đích đó dù phải bỏ ra toàn bộ quãng đời còn lại của mình”. Anh thật sự khao khát điều đó. Cuộc đời mỗi con người sẽ khác đi bao nhiêu nếu như họ xác định được cho mình một mục đích rõ ràng và kiên trì theo đuổi mục đích đó cho đến khi nó trở thành nỗi ám ánh của cả cuộc đời họ.
Có lẽ vào thời điểm đó, chàng trai trẻ tuổi Barnes chưa hiểu được điều này, nhưng quyết tâm sắt đá và sự kiên định theo đuổi một ước mơ duy nhất đã gạt bỏ mọi chướng ngại, đồng thời đem đến cho Bernes cơ hội mà anh đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, cơ hội lại xuất hiện dưới một hình thức khác và từ một hướng khác so với dự kiến của Barnes. Đó là một trong những vấn đề rắc rối của cơ hội. Cơ hội thường có thói quen “ma mãnh” là “lẻn” vào theo cửa sau và được ngụy trang dưới hình thức một điều bất hạnh hay một thất bại tạm thời. Có lẽ đó chính là lý do khiến nhiều người không nhận ra chúng.
Edison vừa hoàn thiện được một thiết bị văn phòng mới, lúc bấy giờ được gọi là Máy đọc Edison . Những người bán hàng của ông không tha thiết gì với chiếc máy này vì họ cho rằng việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Nhưng Barnes đã nhìn thấy cơ hội của mình. Cơ hội ấy đến thầm lặng và ẩn mình trong chiếc máy có vẻ kỳ quặc chẳng làm ai quan tâm, ngoại trừ Barnes và nhà phát minh.
Barnes biết rằng anh có thể bán được Máy đọc Edison và anh nói với Edison điều đó. Edison quyết định trao cơ hội này cho Barnes. Và trên thực tế, Barnes đã thành công. Anh bán chiếc máy chạy đến mức Edison đã ký một hợp đồng cho phép anh phân phối loại máy này trên toàn quốc. Nhờ cách hợp tác kinh doanh đó, Barnes đã trở nên giàu có, nhưng anh còn làm được một việc có ý nghĩa lớn hơn thế rất nhiều. Anh đã chứng minh rằng mọi người đều có thể trở nên giàu có nhờ cách nghĩ.
Ý định ban đầu được trở thành người hợp tác kinh doanh với Edison của Barnes thực tế trị giá bao nhiêu tiền? Khó mà tính được một cách chính xác. Có lẽ nó mang lại cho anh hai hay ba triệu đô-la lúc bấy giờ (ba triệu đô-la vào những năm đầu của thế kỷ 20 tương đương với khoảng năm mươi triệu đô-la ở thời điểm đầu thế kỷ 21 nếu xét trên tương quan sức mua). Nhưng số tiền ấy trở nên vô nghĩa nếu so với món tài sản lớn hơn nhiều mà Barnes nhận được: đó là sự nhận thức rõ ràng rằng lực đẩy vô hình của tư duy có thể được chuyển hóa thành những phần thưởng vật chất qua việc áp dụng những nguyên lý đã biết.
Barnes đã thực sự luôn tâm niệm rằng mình phải trở thành người cộng tác với Edison vĩ đại! Anh cũng luôn tâm niệm rằng mình phải trở nên giàu có. Barnes khởi đầu từ con số không. Tài sản duy nhất anh có được là sự nhận thức rõ ràng bản thân mình muốn gì và quyết tâm theo đuổi ước muốn ấy cho đến khi thành công. Nhưng chính “khối” tài sản tinh thần vô giá đó lại là thứ quan trọng nhất giúp anh đạt được những ước muốn trong cuộc đời mình.
CÁCH VÀNG MỘT THƯỚC
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại là thói quen dễ dàng từ bỏ mơ ước khi gặp phải những thất bại tạm thời. Trong cuộc đời mình, mỗi người chúng ta ai cũng đã từng phạm phải sai lầm này, không lúc này thì lúc khác.
Tôi có một người bạn là R.U. Darby. Vào thời điểm mà người ta đổ xô đi đào vàng, ông chú của R.U. Darby cũng bị cuốn theo “cơn sốt vàng” đó và đã đi về hướng tây đến Colorado để đào vàng với hy vọng trở nên giàu có. Chưa ai nói với ông rằng số vàng được “khai thác” từ tư tưởng con người lớn hơn nhiều số vàng đã được khai thác trong lòng đất. Ông ấy đã đánh cuộc và vác cuốc xẻng ra đi.
Sau nhiều tuần lao động vất vả, ông chú của Darby phát hiện ra một mỏ quặng sáng lấp lánh. Ông cần có thiết bị để đưa quặng lên khỏi mặt đất nên đã âm thầm lấp mỏ và trở về nhà ở Williamsburg, Maryland . Ông kể với người thân và một vài người láng giềng rằng mình đã dò trúng mạch. Họ gom góp tiền để mua máy móc và chở đến đó. Darby cũng quyết định tham gia và cùng với chú mình quay trở lại mỏ.
Chuyến xe đầu tiên chở quặng vừa khai thác được chuyển tới một xưởng nấu kim loại. Kết quả cho thấy họ đã tìm được một trong những hầm mỏ có hàm lượng vàng cao nhất Colorado . Chỉ cần vài chuyến xe chở quặng như thế này nữa là họ sẽ đủ khả năng trang trải hết nợ nần và sau đó tha hồ mà làm giàu.
Càng đào xuống sâu thì hy vọng của Darby và ông chú càng lên cao. Thế nhưng ánh sáng hy vọng dường như đã tắt ngấm. Các mạch vàng bỗng dưng biến mất! Giấc mộng của họ tan vỡ trong phút chốc khi suy nghĩ mỏ vàng mà họ đang tìm kiếm bỗng nhiên không còn ở đó nữa. Họ cố gắng đào tiếp một đoạn nữa nhằm tìm lại dấu vết của mạch vàng nhưng dường như mọi cố gắng đều trở nên vô ích.
Cuối cùng họ quyết định bỏ cuộc.
Họ bán hết máy móc cho một người mua phế liệu để lấy vài trăm đô-la, rồi lên tàu lửa trở về nhà. Người mua phế liệu mời một kỹ sư mỏ đến xem xét đánh giá lại và làm một vài tính toán nhỏ. Người kỹ sư nói rằng sở dĩ việc khai thác thất bại vì chủ hầm cũ không biết nhận ra những tuyến đứt gãy địa chất. Tính toán của ông ta cho thấy mạch chính chỉ cách nơi chú cháu Darby đã ngừng đào có gần một thước. Và đó mới chính là túi chứa vàng.
Người thu mua phế liệu kiếm được hàng triệu đô-la từ hầm mỏ đó bởi ông ấy biết tìm chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trước khi bỏ cuộc.
Sau đó nhiều năm, Darby có được một tài sản lớn hơn nhiều lần kho báu hụt trước đó nhờ phát hiện ra rằng khát vọng có thể được chuyển thành vàng. Phát hiện này đến với Darby khi anh bước vào nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Để hụt mất một kho báu chỉ vì từ bỏ khi còn cách vàng một thước đã trở thành một bài học khó quên với Darby. Nhưng anh đã ứng dụng bài học bổ ích đó để thành công trong lĩnh vực kinh doanh mới của mình. Anh luôn tự nhủ: “Mình đã từng bỏ cuộc khi chỉ còn cách kho báu gần một thước, nhưng mình sẽ không bao giờ dừng lại nếu khách hàng nói “không” khi mình mời họ mua bảo hiểm”.
Darby trở thành một trong số rất ít người có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ trên một triệu đô-la một năm. Giờ đây, anh đã có được “sự bền gan vững dạ” nhờ bài học từ việc “bỏ cuộc giữa chừng” trước đó.
Bất kỳ ai trước khi đi đến thành công đều gặp phải rất nhiều khó khăn thử thách và có thể cả thất bại. Khi gặp khó khăn trở ngại, cách dễ dàng nhất và có vẻ như hợp lý nhất là bỏ cuộc. Đó cũng chính là cách mà đa số chúng ta vẫn thường làm.
Hơn năm trăm người thành đạt nhất nước Mỹ đều nói với tôi rằng những thành quả lớn lao nhất mà họ đạt được thường chỉ cách thất bại trong gang tấc. Thất bại là một tên đại bịp ranh mãnh luôn châm chọc người khác. Hắn rất thích khoèo chân, ngáng bước bạn khi thành công gần như đã nằm chắc trong tầm tay.
BÀI HỌC NĂM MƯƠI XU VỀ LÒNG KIÊN TRÌ
Không lâu sau khi nhận bằng “tốt nghiệp” từ “Trường Đại học Thất bại”, Darby đã chứng kiến một câu chuyện khiến anh nghiệm ra rằng từ “Không” không nhất thiết phải có nghĩa là Không.
Một buổi chiều trong khi anh đang phụ ông bác xay lúa mì trong nhà xay cũ của ông ấy – ông bác này làm chủ một trang trại lớn trong đó có một số nông dân da màu làm công hưởng hoa lợi – thì cánh cửa nhẹ nhàng mở ra và một cô bé da màu, con gái của một tá điền, bước vào và đứng bên cửa.
Ông bác nhìn lên, trông thấy cô bé và quát cộc lốc: “Mày muốn gì?”
Cô bé lễ phép đáp: “Mẹ cháu bảo ông đưa cho mẹ cháu năm mươi xu.”
“Tao không đưa!”, ông bác mắng lại. “Mày biến về nhà đi!”
Nhưng cô bé không hề nhúc nhích.
Ông bác tiếp tục cặm cụi làm việc của mình nên không nhận thấy cô bé vẫn còn đứng đó. Khi ông ngẩng đầu lên lần nữa, và nhìn thấy con bé, ông ấy hét: “Tao đã bảo mày về nhà kia mà! Đi đi, không tao quất cho một trận bây giờ!”
Cô bé vẫn đứng bất động.
Ông bác quẳng bao lúa mì mà ông sắp cho vào máy xay xuống và hằm hằm tiến về phía cô bé.
Darby nín thở và chắc rằng mình sắp chứng kiến một trận lôi đình của ông bác tính tình nóng nảy.
Khi ông bác đến gần chỗ đứa bé đang đứng, nó nhanh chóng bước lên một bước, nhìn thẳng vào mắt ông và rít lên: “Mẹ cháu phải có năm mươi xu đó!”.
Ông bác sững lại, nhìn chằm chằm vào cô bé rồi cho tay vào túi lấy năm mươi xu đưa cho nó.
Cô bé cầm tiền và chầm chậm lùi về phía cửa trong khi mắt vẫn nhìn xoáy vào người đàn ông to lớn vừa bị khuất phục trước nó. Sau khi cô bé đi khỏi, ông bác ngồi bệt xuống một cái thùng, ánh mắt thất thần nhìn ra khoảng trống vô định ngoài cửa sổ trong hơn mười phút. Ông ngẫm nghĩ trong bàng hoàng về “ngón đòn” mà cô bé đã sử dụng để hạ gục mình.
Darby cũng đang suy nghĩ. Đây là lần đầu tiên trong đời, anh thấy một đứa con nít da màu nhỏ bé ung dung hạ gục một người đàn ông da trắng. Cô bé đã làm điều đó bằng cách nào? Điều gì đã tước mất sự hung hãn của ông bác và biến ông trở nên ngoan ngoãn như một con cừu non? Cô bé ấy đã sử dụng sức mạnh kỳ lạ nào để làm chủ được tình thế? Những câu hỏi như thế cứ liên tục nảy sinh trong tâm trí Darby. Nhưng mãi nhiều năm sau, khi kể lại cho tôi câu chuyện này, anh mới tìm được câu trả lời.
Điều kỳ lạ là Darby đã kể cho tôi nghe câu chuyện khác thường này chính tại căn nhà xay cũ kỹ, ngay chỗ ông bác của Darby bị “trúng đòn” của cô bé.
Darby thuật lại câu chuyện trên trong nhà xay lúa mốc meo cũ kỹ đó và kết thúc bằng câu hỏi: “Anh có thể giải thích được không? Cô bé kia đã sử dụng sức mạnh thần kỳ gì để hạ gục hoàn toàn ông bác tôi?”.
Câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi của Darby sẽ được tìm thấy trong những nguyên tắc được đề cập đến trong quyển sách này. Câu trả lời rất tường tận và hoàn chỉnh, chứa đựng mọi chi tiết và những chỉ dẫn giúp bạn hiểu và áp dụng sức mạnh mà cô bé đã ngẫu nhiên sử dụng.
Hãy tập trung cao độ và bạn sẽ hiểu được chính xác sức mạnh kỳ lạ nào đã cứu cô bé. Có thể bạn đã nắm bắt được phần nào sức mạnh ấy trong chương này hoặc bạn sẽ nhận thức được nó trong những chương kế tiếp. Rồi đâu đó trong quyển sách này, bạn sẽ tìm thấy một ý tưởng đẩy nhanh khả năng lĩnh hội của bạn và khiến bạn lúc nào cũng có thể kiểm soát được nguồn sức mạnh không gì có thể cưỡng lại được ấy. Nó có thể xuất hiện dưới hình thức một ý tưởng đơn lẻ, một kế hoạch đầy đủ hay một mục đích nào đó. Ngoài ra, sức mạnh ấy có thể khiến bạn nhìn lại kỹ càng hơn những khó khăn hay thất bại trong quá khứ. Điều này sẽ giúp bạn rút ra được một vài bài học bổ ích mà nhờ nó bạn có thể lấy lại được những gì đã mất.
Sau khi tôi giải thích cho Darby sức mạnh mà cô bé da màu đã vô tình sử dụng, anh đã hồi tưởng lại ba mươi năm kinh nghiệm trong nghề bán bảo hiểm nhân thọ, và anh nhận ra rằng thành công của mình có phần không nhỏ từ bài học anh đã học được từ cô bé.
Darby kể lại: “Mỗi lần một khách hàng tiềm năng nào đó chào tiễn tôi ra cửa mà không mua bảo hiểm của tôi, tôi lại nhớ đến hình ảnh cô bé đứng đấy trong cái nhà xay cũ, mắt mở to đầy thách thức, và tôi tự nhủ: “Tôi phải bán bằng được hợp đồng bảo hiểm này.” Phần nhiều những hợp đồng mà tôi bán được đều từ những người đã từng nói “Không” với tôi”.
Anh cũng nhắc lại sai lầm của mình khi bỏ cuộc cách mỏ vàng chưa đầy một thước. Anh nói: “Nhưng đúng là trong cái rủi có cái may. Lần thất bại đó đã dạy tôi rằng phải luôn nỗ lực không ngừng cho dù có khó khăn đến đâu. Đó là một bài học cần thiết trước khi có thể thành công trong bất cứ việc gì”.
Những kinh nghiệm của Darby rất đỗi bình thường và khá đơn giản, vậy mà chúng nắm giữ chìa khóa quyết định cho số phận của anh. Vì thế, chúng cũng quan trọng như chính cuộc đời anh. Darby đã gặt hái lợi ích từ hai kinh nghiệm sâu sắc trên vì anh đã biết phân tích chúng và tìm thấy bài học ẩn chứa trong đó.
Sẽ ra sao nếu như bạn không có dịp trải nghiệm qua những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc như thế? Sẽ ra sao đối với những người trẻ tuổi chưa từng gặp phải những va vấp thất bại trong cuộc đời để phân tích? Ở đâu và bằng cách nào họ có thể học được nghệ thuật chuyển bại thành thắng, chuyển thách thức thành cơ hội?
Cuốn sách này được viết ra chính là để trả lời cho những câu hỏi trên.
Câu trả lời nằm trong mười ba nguyên tắc. Những nguyên tắc đó có thể đứng riêng lẻ với nhau hoặc tập hợp lại như những chất xúc tác. Hãy luôn nhớ rằng câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm có thể đã có sẵn trong chính tâm trí của bạn rồi. Việc nắm bắt những nguyên tắc này sẽ chỉ như một chất xúc tác giúp bạn biến câu trả lời đó thành một vài tư duy rõ ràng, một kế hoạch cụ thể, hay một mục đích nhất quán mà thôi.
Một ý tưởng đúng đắn, kiên định là tất cả những gì bạn cần để đi tới thành công. Những nguyên tắc được đề cập đến trong quyển sách này chứa đựng những phương pháp và phương tiện tốt nhất, hữu ích nhất giúp bạn sáng tạo nên những ý tưởng như thế.
Ý THỨC VỀ SỰ THÀNH CÔNG
Trước khi tôi đi xa hơn trong việc mô tả những nguyên tắc này, bạn nên nắm bắt được gợi ý quan trọng sau:
Khi của cải bắt đầu đến, nó đến nhanh và nhiều đến mức người ta tự hỏi rằng không biết trong những năm tháng gian khó vừa qua nó đã trốn nơi đâu?
Phát biểu trên có thể làm bạn kinh ngạc, đặc biệt nếu như bạn luôn suy nghĩ theo quan niệm thông thường rằng sự giàu có chỉ đến với những người làm việc chăm chỉ trong một khoảng thời gian dài.
Khi bạn bắt đầu nhận thức được rằng cách nghĩ có thể mang lại sự giàu sang, bạn sẽ thấy rằng sự giàu có luôn bắt nguồn từ một trạng thái mang tính chất tinh thần, từ một mục đích rõ ràng chứ không phải bởi bạn có làm việc cật lực hay không. Những gì mà bạn và mọi người khác nên biết là làm thế nào để có được một trạng thái tinh thần tạo ra sự giàu có như thế. Tôi đã dành hai mươi lăm năm để nghiên cứu điều đó vì bản thân tôi cũng muốn biết “những người giàu có đã làm thế nào để đạt được những thành quả như vậy”.
Bạn sẽ nhận thấy rằng ngay khi bạn nắm được những nguyên tắc của triết lý thành công này, và bắt đầu ứng dụng những nguyên tắc đó, tình hình tài chính của bạn sẽ được cải thiện. Nói một cách hoa mỹ thì mọi thứ bạn “chạm tay” vào sẽ biến thành “vàng”. Bạn cho rằng không thể được ư? Thế mà đúng như vậy đấy.
Một trong những điểm yếu của người bình thường là họ luôn có xu hướng nghĩ mọi việc đều “không thể”. Đối với họ thì mọi quy tắc đều vô tác dụng, mọi ước mơ đều không thể thực hiện được. Cuốn sách này được viết cho những người đang thật sự nỗ lực tìm kiếm những quy tắc đã giúp những người thành đạt đi tới vinh quang và sẵn lòng đặt cược mọi thứ vào những quy tắc đó.
Thành công chỉ đến với những ai thật sự có ý thức mãnh liệt muốn đạt được nó.
Thất bại sẽ đến với những người luôn nghĩ rằng mình sẽ thất bại.
Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn nắm bắt được nghệ thuật thay đổi tư duy của bạn từ ý thức về sự thất bại sang ý thức về sự thành công.
Một điểm yếu khác của con người là thói quen đánh giá sự việc và những người xung quanh bằng cảm giác qua lăng kính chủ quan của riêng họ. Rất nhiều người đọc cuốn sách này nhưng không tin rằng chỉ bằng suy nghĩ người ta có thể đạt được sự giàu sang. Đơn giản chỉ bởi nếp nghĩ của họ từ lâu đã hằn sâu một quan niệm rằng số phận của mình sẽ phải chịu cảnh nghèo nàn, cực khổ, khó khăn và thất bại.
Kiểu suy nghĩ thiếu tích cực như vậy gợi tôi nhớ đến câu chuyện về một người Trung Quốc đến Mỹ du học tại trường đại học Chicago. Một ngày nọ, Hiệu trưởng Harper gặp người thanh niên trẻ tuổi ấy trong khuôn viên của trường đại học và dừng lại trò chuyện với anh ta trong vài phút. Ngài Hiệu trưởng đã hỏi anh ta rằng đặc điểm nào dễ nhận thấy nhất trong tính cách của người Mỹ làm anh ấn tượng.
“Ồ” Anh sinh viên nói lớn, “đó chính là đôi mắt lệch của ngài.”
Người thanh niên Trung Quốc đã dùng cách chơi chữ rất mỉa mai để ám chỉ tính cách thiên kiến, thói quen nhìn mọi sự lệch lạc của người Mỹ.
Tất cả chỉ là vấn đề của quan niệm và thói quen.
Chúng ta thường không tin cái mà chúng ta không hiểu. Chúng ta không tin vào những điều kỳ diệu mà con người có thể đạt được bằng suy nghĩ của mình. Chúng ta luôn có thói quen nhìn cuộc sống bằng quan niệm của mình vì thế chúng ta cho rằng giới hạn của chúng ta là thước đo đúng đắn cho mọi giới hạn.
CHIẾC FORD V8 VỚI ĐỘNG CƠ KHÔNG TƯỞNG
Khi Henry Ford quyết định chế tạo chiếc xe hơi V8 nổi tiếng của mình, ông dự định thiết kế một loại động cơ mới với toàn bộ tám xi-lanh gộp thành một khối. Ông chỉ thị các kỹ sư của mình vẽ mẫu thiết kế cho động cơ này. Bản thiết kế đã được hình thành trên lý thuyết nhưng các kỹ sư đều đồng loạt cho rằng, trên thực tế, việc chế tạo một động cơ với tám xi-lanh là không tưởng.
Nhưng Ford kiên quyết: “Bằng mọi giá, hãy chế tạo ra nó!”.
“Nhưng thật sự là không thể làm được!”, các kỹ sư trả lời.
“Cứ cố gắng hết sức mình đi”, Ford ra lệnh. “Hãy làm cho đến khi các anh thành công, dù phải mất bao nhiêu thời gian đi nữa.”
Các kỹ sư lại lao vào tìm tòi, thiết kế. Sáu tháng trôi qua, không có gì tiến triển. Rồi sáu tháng nữa lại trôi qua, vẫn chẳng có gì mới mẻ. Các kỹ sư đã thử đủ mọi cách để giải quyết vấn đề, nhưng mọi thứ chỉ có thể gói gọn trong hai từ “không thể”.
Cuối năm, Ford đến gặp các kỹ sư của mình. Một lần nữa, họ lại cho ông biết rằng không có cách nào giải quyết được vấn đề nan giải đó.
“Hãy tiếp tục!”, Ford nói. “Tôi muốn có nó và tôi phải có nó!”
Họ lại tiếp tục. Và sau đó, như có phép màu, điều bí ẩn đã được khám phá.
Lòng quyết tâm của Ford một lần nữa lại chiến thắng!
Henry Ford thành công vì ông đã hiểu và áp dụng những nguyên tắc dẫn đến thành công. Một trong số những nguyên tắc đó là niềm khao khát thành công: biết rõ những gì mình thật sự mong muốn. Hãy ghi nhớ câu chuyện của Ford, hãy trích ra những dòng miêu tả lại bí quyết để đạt được thành quả kỳ diệu như của ông ấy. Nếu bạn có thể làm được điều đó, nếu bạn có thể cảm nhận được những nguyên tắc cụ thể đã làm cho Henry Ford trở nên giàu có, bạn cũng có thể đạt được những thành tựu không kém gì Ford trong gần như tất cả những ngành nghề phù hợp với bạn.
(Hết phần 2)
Nguồn: maxi-forex
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.