20/12/10

Không chỉ có nước, mặt trăng còn có nhiều vật chất hữu ích

Một năm trước, vụ va chạm kép của vệ tinh quan sát và thăm dò NASA Lunar Crater Observation and Sensing Satellite (LCROSS) cùng tên lửa đẩy lên bề mặt mặt trăng đã cho thấy sự tồn tại của nước. Hôm nay, với những dữ liệu mới nhất được LCROSS và tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) thu thập, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: đất bên trong các hố được bao phủ bởi bóng tối trên mặt trăng rất giàu các vật chất hữu ích và vì vậy, mặt trăng chủ động về mặt hóa học và thậm chí có cả một vòng tuần hoàn nước.


Hố Cabeus có đường kính gần 100km nằm ở cực Nam của mặt trăng.
Vụ va chạm của tàu LCROSS và tên lửa đẩy lên hố Cabeus tại cực Nam của mặt trăng được thực hiện vào ngày 9 tháng 10 năm ngoái. Sau vụ va chạm, một loại vật chất chưa từng được nhìn thấy dưới ánh sáng mặt trời trong hàng tỉ năm qua nằm cách vành hố gần 16,1 km đã được 2 tàu LCROSS và LRO phát hiện. Những mảnh vụn và mây hơi đã minh chứng cho sự tồn tại của nước tinh khiết dạng hạt trên mặt trăng.

Điều này có nghĩa "nước đá bằng một cách nào đó đã được đưa đến mặt trăng trong quá khứ hoặc các quá trình hóa học đã tạo nên băng và lắng đọng với khối lượng lớn," nhà khoa học Anthony Colaprete thuộc trung tâm nghiên cứu NASA Ames Research Center tại Moffet Field, California cho biết. "Sự đa dạng và phong phú của các vật chất được gọi là chất dễ bay hơi theo chùm cho thấy chúng có nhiều nguồn gốc khác nhau chẳng hạn như từ các sao chổi, các tiểu hành tinh và không chỉ thế, mặt trăng còn có cả một vòng tuần hoàn nước chủ động ở vùng tối."

Chất dễ bay hơi là những hợp chất đóng băng và được lưu giữ trong những hố "lạnh" (những hố nằm ở vùng tối của mặt trăng), chúng bay hơi khi được mặt trời làm ấm. Các công cụ trên 2 tàu LCROSS và LRO đã xác định khoảng 20% vật chất thu được sau vụ va chạm kép là các chất dễ bay hơi bao gồm mêtan, amoniac, khí hydro, CO2 và CO.

Các nhà khoa học tin rằng nước và hỗn hợp các chất dễ bay hơi mà 2 tàu thăm dò đã phát hiện có thể là những gì còn lại của một vụ va chạm do sao chổi gây nên. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng những chất dễ bay hơi này là bằng chứng của một vòng tuần hoàn thông qua phản ứng giữa băng đá và hạt đất mặt trăng.

Sau khi lập sơ đồ phân phối hydro, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận nước không được phân bổ đều trong các hố lạnh, không chỉ trong hố mà còn nằm ở khu vực bên ngoài hố thuộc vùng tối.

Tỉ lệ các chất dễ bay hơi so với nước trong đất mặt trăng chỉ ra một quá trình được gọi là "hóa học hạt lạnh". Các nhà khoa học đưa ra một giả thuyết rằng quá trình này đã trải qua hàng trăm ngàn năm và có thể xảy ra tại những nơi lạnh lẽo và thiếu không khí khác chẳng hạn như các thiên thạch, các mặt trăng của sao Mộc và sao Thổ bao gồm mặt trăng Europa và Enceladus, mặt trăng của sao Hỏa, những hạt bụi trôi dạt giữa các vì sao và vùng cực của sao Thủy.

Ngoài ra, 2 tàu LCROSS và LRO cũng phát hiện một lượng lớn kim loại nhẹ chẳng hạn như Natri, Thủy ngân và thậm chí cả bạc nhưng nước vẫn là vật chất đáng giá nhất trên mặt trăng.

Với việc nghiên cứu các quá trình và môi trường để xác định nơi tồn tại của nước đá, cách thức nước được tạo ra trên mặt trăng và vòng tuần hoàn nước chủ động, những kế hoạch thăm dò tiếp theo sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đã biết được chính xác vị trí tiếp cận nguồn nước. Qua đó, trong tương lai, con người có thể khám phá mặt trăng với nguồn nước bổ sung để duy trì sự sống. Thêm nữa, sự có mặt của khí hydro, amoniac và mêtan có thể được khai thác để sản xuất nhiên liệu.

Nguồn: Gizmag

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.